Nợ thẻ tín dụng, vay tiền đầu tư là khởi đầu của khủng hoảng tài chính
24204 Views
01-12-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Theo chuyên gia, nợ thẻ tín dụng quá hạn và vay nợ để đầu tư chính là hai hình thức dễ dàng khiến bạn rơi vào cái kết đau mang tên khủng hoảng tài chính.

Khủng hoảng tài chính cá nhân là gì mà khiến nhiều người hoảng sợ?

Hiểu đơn giản, đây là tình huống mà các khoản nợ vượt quá tổng tài sản bạn sở hữu; hay nói cách khác là bạn nợ quá nhiều và không có khả năng chi trả.

Ví dụ: Bạn nợ ngân hàng năm tỷ đồng, cam kết trả đủ trong vòng hai tháng.

Trong khi đó, tài sản của bạn bao gồm: Một căn hộ chung cư định giá hai tỷ đồng. Một xe máy định giá 30 triệu đồng. Khoản tiền tiết kiệm 100 triệu đồng. Nguồn thu nhập trong hai tháng thông qua công việc văn phòng: 40 triệu đồng.

Như vậy, tổng tài sản bạn sở hữu là 2,17 tỷ đồng. Bạn không đủ tài chính để trả nợ đúng hạn và tức là đã mắc khủng hoảng tài chính cá nhân.

Dưới đây, tôi phân tích hai tình huống dễ khiến một người lao động trẻ tuổi "cháy túi" đến mức khủng hoảng.

"Vung tay quá trán" với thẻ tín dụng

Chứng kiến nhiều bạn trẻ rơi vào các khoản nợ quá mức chi trả, tôi nhận thấy nguyên nhân đầu tiên đến từ việc họ "vung tay quá trán" qua thẻ tín dụng.

Hiện nay, quy trình cấp thẻ tín dụng trở nên dễ dàng hơn, hạn mức thẻ cũng tăng gấp 5-6 lần so với trước đây.

Sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng sẽ nhận được chiết khấu hoàn tiền, giảm giá sản phẩm. Kết hợp với đó là các chương trình khuyến mãi quanh năm, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử. Những điều này đã khiến nhiều bạn trẻ không ngần ngại quẹt thẻ, mua sắm mất kiểm soát.

Ngoài ra, khi sử dụng thẻ, nhiều bạn trẻ không thấy tiền "ra đi" nên không có tâm lý tiếc tiền, chỉ khi đến hạn trả nợ mới "tá hoả".

Kiểm soát ra sao?

Bản chất của khủng hoảng tài chính do sử dụng thẻ tín dụng sai cách đó là khi bạn mất kiểm soát ham muốn chi tiêu dẫn đến việc mua sắm những món đồ chưa thực sự cần thiết cho bản thân ở thời điểm hiện tại.

Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên, bạn cần lên mục tiêu mua sắm mỗi khi muốn "rinh" một món đồ nào đó về nhà.

Bạn hãy đặt câu hỏi món đồ đó có thực sự mang lại cho mình giá trị, lợi ích gì không; hoặc có thể giúp mình kiếm thêm tiền?

Bạn tuyệt đối không nên mua sắm để thể hiện giá trị bản thân. Theo tôi, điều thể hiện rõ nhất con người bạn không phải những thứ bề ngoài bạn mang theo, mà là phẩm chất, tính cách và học thức.

Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ hơn về mục đích mua sắm:

Bạn làm công việc truyền thông cho một thương hiệu đồ ăn nhanh, thường xuyên phải quay phim, chụp ảnh với nhiều thiết bị như máy ảnh, điện thoại.

Gần đây, điện thoại bị hư camera, bạn lên kế hoạch dùng 30 triệu đồng để mua một chiếc iPhone đời mới có camera phù hợp với nhu cầu công việc.

Nếu công việc yêu cầu phải chụp 70% bằng các thiết bị cơ động như điện thoại, bạn nên mua điện thoại mới.

Nhưng trong trường hợp công việc chủ yếu chụp trong studio, sử dụng máy ảnh chuyên dụng, rõ ràng bạn không cần mua điện thoại mới ở thời điểm hiện tại vì nhu cầu chụp ảnh bằng điện thoại thấp hơn 50%.

Tuyệt đối không đáo nợ thẻ tín dụng qua thị trường chợ đen

Đáng chú ý, ngoài việc chi tiêu quá tay, nhiều chủ sở hữu thẻ tín dụng còn thêm nợ nần khi tìm đến dịch vụ đáo nợ thẻ trên thị trường chợ đen.

Theo đó, các công ty dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của bạn để ngân hàng tính toán và cắt nợ. Ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức, bên dịch vụ này sẽ cà thẻ qua máy POS của mình để thu nợ và thu luôn phí theo họ quy định, thông thường là 1,8 - 2,5% trên tổng số đáo nợ.

Ví dụ: Bạn đáo nợ thẻ tín dụng với hạn mức 100 triệu đồng. Vậy, mức phí bạn cần trả cho công ty dịch vụ là 1,8-2,5 triệu đồng.

Nhiều người đáo nợ ở chợ đen hết lần này đến lần khác, chịu tổng số phí lớn, dần dần tiếp tục rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả.

Tệ hơn, nếu ngân hàng phát hiện bạn sử dụng hình thức gian lận này, bạn sẽ lập tức bị liệt vào "danh sách đen", không thực hiện được giao dịch và mở thẻ tín dụng của ngân hàng trong tương lai.

Vay tiền để đầu tư

Điều nguy hiểm nhất trong khủng hoảng tài chính cá nhân chính là việc mất kiểm soát khoản nợ khi đầu tư thua lỗ.

Warren Buffett, ông chủ đứng sau đế chế Amazon, từng nói: "Đừng vay tiền đi đầu tư cổ phiếu". Câu nói này vẫn đúng khi áp dụng cho mọi hình thức đầu tư khác như trái phiếu, tiền số, bất động sản…

Người trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến đầu tư tài chính. Năm 2021, khi những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang được thắt chặt, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến con số kỉ lục 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới. Trong đó, phần lớn là những người trẻ với niềm tin đầu tư là hình thức làm giàu nhanh chóng.

Kỳ vọng mức sinh lời cao hơn so với vốn mình tự có, sự tự tin thấu hiểu biến động thị trường tài chính, người trẻ lao vào vay tiền tiếp để đầu tư, thậm chí vay với lãi suất khủng.

Ngoài ra, thiếu kinh nghiệm đầu tư, nhiều bạn trẻ bị xao động tâm lý khi giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm. Một số vội vã bán tất cả cổ phiếu mình sỡ hữu ra thị trường bằng bất cứ giá nào, thua lỗ và rơi vào vòng lặp vay nợ để tiếp tục đầu tư, bù vào các khoản tiền lỗ.

Đầu tư thực chất là hình thức tiết kiệm một khoản tiền trong quỹ tài chính của mình (không phải đi vay mượn từ người thân, bạn bè, ngân hàng…) để tham gia vào 2 hình thức đầu tư là ngắn hạn (gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng) hoặc dài hạn (mua bán cổ phiếu, trái phiếu...).

Dù là hình thức nào, bạn nên ghi nhớ không được vay tiền đầu tư, kể cả bạn có tài sản thế chấp.

Thị trường tài chính mang tính rủi ro cao, biến động thất thường nên bạn cần nhìn nhận thực tế về rủi ro khi đầu tư. Nếu bạn có khoản tiền dư thừa hoặc số tiền đã đáo hạn sau thời gian gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, bạn mới nên đầu tư.

Nếu có số vốn ít, bạn hãy tham gia đầu tư theo hình thức mua chứng chỉ quỹ hoặc tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ thông qua mua bảo hiểm tích lũy (liên kết đầu tư) – ILP.

Công tác lâu năm trong ngành tài chính, tôi luôn dặn mình: "Sống sót trước khi nghĩ đến sinh lời".

Với thị trường chứng khoán đang tạo sức hút lớn cho người trẻ, tôi khuyên rằng nếu kinh nghiệm tham gia đầu tư chứng khoán của bạn dưới 5 năm, bạn nên đặt mục tiêu giữ nguyên tiền đầu tư ban đầu, không bị ảnh hưởng bởi biến động chứng khoán.

Trong khoản thời gian này, bạn nên đầu tư vào bản thân nhằm nâng cao kinh nghiệm, chuyên môn ở ngành nghề mang đến nguồn thu nhập chính, gia tăng thêm mức thu nhập ổn định của bạn.

Sau 5 năm, bạn mới nên đặt mục tiêu sinh lời ở thị trường đầy rủi ro và nguy hiểm này.

Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Tri Thức Trực Tuyến
RELATED NEWS

Lì xì cho trẻ tưởng đơn giản nhưng nếu không lưu ý 5 điều sau, bạn dễ bị nói thiếu tinh tế

61391 Views
11-02-2024
Tặng lì xì trong dịp Tết là một nghi thức văn hóa truyền thống, là một lời chúc phúc cho trẻ em nên không thể "đơn giản hóa" một cách tùy tiện.

Buộc bản thân làm 4 điều này vào năm 2024, số tiền tiết kiệm của bạn sẽ tăng gấp đôi

73645 Views
27-12-2023
Vào năm 2024, bạn có háo hức mở ra một cuộc sống mới bằng chính tài sản của mình không? Nếu vậy thì chúng ta hãy cùng nhau khám phá bí ẩn của việc phản công vào cánh cửa tiền bạc nhé!

Gen Z sắp thành Gen nợ nần thế hệ chật vật tiền nong hơn bao giờ hết

53958 Views
04-04-2023
“Thế hệ Netflix rất vui khi tham gia vào các chương trình mua ngay trả sau mà không cần suy nghĩ nhiều”.

Giới trẻ thành thị Gen Z và những ưu tiên mua sắm khác biệt trong năm mới 2023

29272 Views
29-12-2022
Là những người tạo ra các xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không thể phủ nhận rằng, Gen Z giờ đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang nói riêng và ngành bán lẻ nói chung…

4 quan niệm sai lầm về tiền bạc khiến bạn mãi chưa giàu

14474 Views
13-12-2022
Những tư duy cố định này rất phổ biến, khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính cá nhân để làm giàu.