Sống thử trước hôn nhân, được thì tốt, không được thì sao?
25907 Views
05-12-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Trong nhiều năm làm tư vấn hôn nhân, tôi đã tiếp xúc với nhiều bạn trẻ đã chung sống trước hôn nhân. Họ cho rằng, sau một thời gian yêu nhau say đắm, trước sau gì chẳng là vợ chồng nên “góp gạo thổi cơm chung”, khỏi phải hẹn hò vừa tốn kém lại mất thì giờ.

Nhiều trường hợp cả hai đều là sinh viên chỉ đợi ra trường là cưới nên hình dung cuộc sống chung có nhiều cái lợi. Hằng ngày được gần gũi chăm sóc giúp đỡ nhau chia sẻ mọi vui buồn, động viên nhau học tập. Tuy nhiên, họ vẫn băn khoăn lo lắng không biết như vậy có nên không?  

Cách đây khá lâu, một nghiên cứu của Đại học Columbia ở Mỹ cho thấy, 86% những đôi sinh viên sống thử đã kết thúc bằng chia tay. Số phần trăm này cũng không giảm trong những cuộc nghiên cứu mới đây. Điều đáng quan ngại hơn là những đôi sống thử “thành công” tức là đi đến hôn nhân, lại có tỉ lệ ngoại tình, ly hôn cao hơn những đôi trước đó sống riêng. Các nhà nghiên cứu nói gì về hiện tượng này?

Những người có ý định sống thử thường đưa ra lý lẽ rất đơn giản: ở đời bất cứ việc gì có làm thử rồi mới làm thật cũng tốt hơn. Hôn nhân chỉ hạnh phúc khi hai người hòa hợp với nhau. Vậy muốn biết có hòa hợp không, tốt nhất là sống thử như vợ chồng một thời gian. Họ tin rằng, nếu một đôi cảm thấy hài lòng trong thời gian sống thử thì chắc chắn sẽ hạnh phúc sau khi kết hôn. Bởi nếu thử mà không thành thì họ đã chia tay rồi. 

Lý lẽ đó thoạt nghe có vẻ thuyết phục. Nhưng thực ra, hôn nhân ăn đời ở kiếp với nhau và sống thử một thời gian là hai lĩnh vực khác nhau rất nhiều. Trong thời gian sống thử, ít nhất có một trong hai người cố gắng lấy lòng người kia để tạo ra hòa hợp, có như thế người kia mới tiếp tục chung sống với họ. Để đạt mục đích đó, họ sẵn sàng biến đổi mình đi cho hợp với đối tác. Nhưng sau đám cưới họ không như thế nữa. Nó cũng giống như thời gian thử việc ai cũng chăm ngoan dễ bảo. Nhưng sau khi được tuyển dụng chưa chắc họ cũng như thế. 

Không khác gì người đi thuê nhà và người mua nhà. Khi bạn là người thuê, bạn có quyền đòi hỏi chủ nhà phải đáp ứng những yêu cầu của bạn. Nếu không bạn đi thuê chỗ khác. Nhưng khi bạn đã mua rồi, thì cái nhà chỉ có thế thôi không thích cũng phải gắng mà ở. 

Chưa kể, khi sống thử, thường chỉ hai người biết với nhau. Nhưng sau kết hôn mối quan hệ của hai người được đặt trong hai gia đình lớn và họ hàng hai bên với các mối quan hệ phức tạp hơn nhiều. Khi đó mới nảy sinh những mâu thuẫn mà bạn không ngờ tới. Cho nên, nếu bạn nghĩ sống thử như thế nào thì khi lấy nhau rồi cũng sẽ như thế, có lẽ bạn cần nghĩ lại.

Chưa kể, người đàn ông đang sống với bạn gái như vợ chồng mà lại không phải vợ chồng, đối với các cô gái khác anh ta vẫn là người độc thân. Mà đặc điểm của đàn ông bao giờ “một cái lạ cũng bằng tạ cái quen”, các cụ đã tổng kết từ lâu. Hôn nhân với bao nhiêu ràng buộc, lại gắn cái mác “đàn ông có vợ” mà họ còn ngoại tình, huống chi sống thử. Thời gian sống thử càng lâu thì nguy cơ ngoại tình càng cao.

Đi sâu vào tìm hiểu, các chuyên gia thấy, đa số những cuộc chia tay sau khi sống thử phần nhiều do nam giới khởi xướng, mặc dầu chính họ là người đề nghị sống thử. Khi họ đã muốn rời bỏ bạn gái để đến với người khác, thì họ không thiếu gì lý do để che đậy ý đồ thay đổi đối tác. Lúc đó các cô gái sẽ giữ họ lại bằng gì? Dù các cô có giữ được cũng phải trả giá bằng nín nhịn, chịu đựng và đó chính là mầm mống của tan vỡ vì dồn nén mãi sẽ có ngày bùng nổ.  

Thực tế cũng cho thấy, khi người con gái sống thử với người này không thành, họ rất dễ có lần sống thử thứ hai với người khác trong ý nghĩ “không còn gì để mất”. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến giá trị con người. Tôi đã đặt câu hỏi với nhiều chàng trai: “Bạn có sẵn sàng kết hôn với một cô gái mà bạn biết cô ấy đã có thời gian sống thử với ai đó?”.

Hầu như tất cả đều lắc đầu. Trong khi nhiều người chấp nhận kết hôn với phụ nữ góa chồng hoặc đã ly hôn.     

Đó là chưa kể việc có thai trong thời gian sống thử rất dễ xảy ra. Có người sống thử chưa đến một năm đã phải nạo phá thai vài lần. Có người do cái thai quá lớn, không dám hủy thai, đành phải lấy nhau khi cả hai còn đang là sinh viên. Tôi đã dự một đám cưới của hai sinh viên năm cuối đại học “bị” kết hôn trong hoàn cảnh đó. Chàng trai định “chạy làng”, nhưng bên nhà gái dọa báo cáo với phòng tổ chức nhà trường, anh ta sợ không được thi tốt nghiệp. Đám cưới buồn thiu, cô dâu, chú rể mặt ỉu xìu như chịu tội. Cưới nhau được bốn tháng đã sinh con. Tài sản của vợ chồng có mỗi cái xe máy phải bán lấy tiền mua sữa. Không ngày nào họ không cãi nhau. 

Mặc dù vậy, số lượng các cặp sống thử vẫn gia tăng trong thực tế. Không khó để tìm các “xóm vợ chồng sinh viên”.

Hầu hết họ là những người xa gia đình. Nam nữ ở chung làm sao tránh khỏi quan hệ tình dục, từ đó sinh ra nhiều hậu quả. 

Trong một khảo sát do Trung tâm Tư vấn Linh Tâm ở Hà Nội thực hiện, có câu hỏi: Tại sao người ta quyết định chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn? 

Khi hỏi riêng rẽ từng người nam và nữ, các chuyên viên tư vấn nhận được những câu trả lời không giống nhau. Hơn 80% phụ nữ trả lời rằng họ sẵn sàng đăng ký kết hôn nhưng người yêu chưa sẵn sàng. Trong khi 74% nam giới trả lời rằng họ muốn sống thử để xem đối tác có hòa hợp với mình không, thì 82% nữ giới đã sống thử với ai là họ tin rằng trước sau gì cũng sẽ cưới. Chính vì những suy nghĩ khác nhau như vậy nên thái độ của hai người với cuộc sống chung cũng khác nhau. Nhiều khi cả hai cùng có ý định nghiêm túc tiến tới hôn nhân, nhưng chính sự “thử” đã làm họ vỡ mộng để lại những hậu quả rất đáng tiếc vì nhiều năm sau vẫn phải trả giá.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, tòa án sẽ không thụ lý những vụ ly hôn mà chưa từng kết hôn. Vì vậy đứng về mặt pháp lý, những người chung sống không hôn thú đã tự đặt cuộc sống chung của họ ra ngoài sự bảo vệ của pháp luật. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm và tự giải quyết với nhau khi muốn chia tay.

Thiết nghĩ những điều đó đáng để người ta suy nghĩ kỹ trước khi đi đến một quyết định quan trọng của cuộc đời, chứ không đơn giản là “cứ thử, được thì được, không được thì thôi, có gì mà quan trọng!”. 

Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Phụ Nữ Online
RELATED NEWS

Bật mí mẹo yêu mở lời cuốn hút cho bạn giúp ghi điểm với đối phương trên Tinder

34210 Views
29-03-2024
Trong vô vàn những cách giao tiếp đầy sáng tạo của giới trẻ Việt ngày nay, tiếng lóng được xem là từ ‘vũ khí bí mật’ giúp Gen Z diễn đạt cảm xúc nhằm tăng phần thú vị cho các cuộc trò chuyện trên các ứng dụng hẹn hò.

Tinder ra mắt Hướng dẫn Hẹn hò An toàn ở Đông Nam Á, tăng tính an toàn hẹn hò từ trực tuyến đến trực tiếp

44829 Views
05-03-2024
Hướng dẫn Hẹn hò An toàn ở Đông Nam Á của Tinder vừa mới ra mắt được kỳ vọng sẽ mang đến cho giới trẻ thành thị độc thân trải nghiệm hẹn hò an toàn từ trực tuyến đến trực tiếp. Bộ Hướng dẫn Hẹn hò An toàn của Tinder gồm nhiều chủ đề khác nhau, đóng vai trò là nguồn tài nguyên giáo dục toàn diện cho người trẻ độc thân.

Trong hôn nhân, giận dữ là thứ vô ích nhất, phụ nữ thành thị thông minh mới làm được 2 điều này

51569 Views
19-02-2024
Hai từ quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là tình yêu, tình cảm, sự quan tâm hay thay đổi mà là “tôn trọng”.

Tinder giới thiệu tính năng cảnh báo mới giúp bạn trải nghiệm hẹn hò an toàn hơn

68378 Views
06-02-2024
Các cảnh báo mới nâng cao tính minh bạch để cải thiện hành vi của người dùng và tiếp tục giúp Tinder trở thành nền tảng dẫn đầu trong việc thúc đẩy các kết nối chân thực giữa con người với nhau. Các cảnh báo tập trung nâng cao tính chân thực, sự tôn trọng và hòa nhập.

Chiến dịch Mọi khởi đầu đều đến từ lần quẹt Tinder lần đầu tại Đông Nam Á khởi động cho mùa yêu 2024

55139 Views
05-02-2024
Loạt video ngắn đặc biệt dành riêng cho Việt Nam sẽ được ra mắt vào mùa hẹn hò “cao điểm” được mong chờ nhất năm, tiết lộ cách giới trẻ thành thị độc thân mở lòng đón nhận mọi kết nối.