Bạn có đang bị thao túng tâm lý trong tình yêu?
17918 Views
25-10-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Hành vi của kẻ thao túng giống như một trò chơi bí ẩn, tệ hại và lặp đi lặp lại.

Gần đây, liên tiếp các nạn nhân tố cáo nhân vật lừa đảo “Anna Bắc Giang” sử dụng cách thức thao túng tâm lý. Nhiều người giật mình tự hỏi: Liệu ta có đang trong cái bẫy thao túng tâm lý nào không?

“Cô điên thật rồi!”

Cô A. thấy chồng có dấu hiệu ngoại tình và thực tế chồng cô đang lén lút ngoại tình. Vậy nhưng khi cô hỏi, chồng cô luôn lật ngược thế cờ bằng cách la lối: “Cô điên thật rồi, cô cứ ở nhà riết nên bị ám ảnh”. Người chồng nhiều lần quy kết vợ mình mắc chứng suy diễn, hoang tưởng do đọc quá nhiều tin tức xấu trên mạng, báo lá cải, thành ra có tâm lý tiêu cực, ghen tuông…

Nếu việc “tiêm vào đầu” của người chồng thành công, cô A. dần mất niềm tin vào bản thân, nghi ngờ trực giác và khả năng phân tích của mình. Kết quả, chồng cô ung dung ngoại tình nhưng vẫn ở “kèo trên”, còn cô thì dằn vặt với các cơn nóng lạnh của cảm xúc, không biết mình phán đoán chính xác hay hoang tưởng, cộng thêm cảm giác có lỗi với chồng.

Hiện tượng “lật kèo” bằng các thủ pháp như trên là một dạng thức đơn giản của thao túng tâm lý. Ở đây, người chồng là kẻ thao túng (kẻ độc hại), cô vợ là nạn nhân. Mục đích là kẻ độc hại bỗng trở nên vô tội và người bị thao túng tâm lý trở thành kẻ có lỗi.

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

Thao túng tâm lý là thuật ngữ không mới trong tâm lý học, văn học, điện ảnh thế giới. Khái niệm này khởi phát từ một vở kịch năm 1938 tại Mỹ, sau đó chuyển thể thành bộ phim kinh dị tâm lý của Hollywood năm 1944 với tên Gaslight (bản tiếng Việt có tựa là Ràng buộc). Phim kể về một người đàn ông đứng tuổi kết hôn với một cô ca sĩ trẻ và ra sức chứng minh cô bị tâm thần để chiếm đoạt gia sản. 

Từ những năm 1960, ngành tâm lý học bắt đầu dùng thuật ngữ gaslight hay gas-lighting (hiệu ứng đèn gas) để chỉ việc thao túng tâm lý. Rất nhiều bộ phim tâm lý xã hội Âu, Mỹ và Hàn Quốc khai thác đề tài thú vị này. Nhân vật trong phim thường là một cô gái đẹp hoặc một tên tội phạm ma lanh sử dụng việc thao túng tâm lý để lừa tình hoặc chiếm đoạt tài sản, thậm chí đưa cả những điều tra viên vào màn kịch tài tình của mình. 

Có nhiều kiểu thao túng tâm lý nhưng đặc điểm chung là kẻ thao túng dùng cách thức tâm lý khiến một người mất niềm tin vào bản thân, mất năng lực phân tích, phán đoán. Từ đây, kẻ thao túng dễ dàng che giấu sự thật hoặc điều khiển nạn nhân.

Kẻ độc hại trốn ở đâu?

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ trên trang cá nhân: “Thao túng tâm lý là những kỹ thuật tâm lý làm bóp méo tinh thần, bóc lột tình cảm của người khác với những động cơ chiếm đoạt quyền lực, sự kiểm soát, phục vụ lợi ích, đặc quyền của bản thân và trả nó bằng cái giá của nạn nhân”. Theo ông, thao túng tâm lý thường liên quan đến các vụ lừa đảo.

Dù thao túng tâm lý xảy ra nhiều trong tình yêu, hôn nhân nhưng nó cũng có thể xảy ra trong mọi mối quan hệ. Bà Shannon Thomas (chuyên gia tư vấn tâm lý ở Southlake, bang Texas, Mỹ, tác giả cuốn Thao túng tâm lý - Nhà xuất bản Dân Trí) cho rằng thao túng tâm lý là một dạng của lạm dụng tâm lý và có thể xuất hiện ở bất kỳ môi trường nào, từ bất cứ đối tượng nào. Đó có thể là cha mẹ ruột, anh chị em ruột, người yêu, vợ hoặc chồng, sếp hay đồng nghiệp với nhau. Chính bà Shannon cũng là nạn nhân bị lạm dụng tâm lý và may mắn “sống sót”.

Nạn nhân của thao túng tâm lý bị một người hoặc một tổ chức nào đó dẫn dắt, từ từ mất sự tỉnh táo, khả năng phán đoán, kết quả, họ bị điều khiển một cách vô thức và hành động ngược với quy chuẩn, ranh giới đạo đức.

Hành vi của kẻ thao túng giống như một trò chơi bí ẩn, tệ hại và lặp đi lặp lại. Họ thường là một cá nhân hoặc nhóm người độc hại thực hiện có chủ đích cụ thể với nạn nhân. Hành vi của họ được ngụy trang tài tình và thường xuyên nhưng không bị phát hiện. 

Với tính chất âm thầm gây hại, tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng của nạn nhân, sự thao túng tâm lý khiến nạn nhân rơi vào hoài nghi và trầm cảm. Có người gọi đó là “nghệ thuật tẩy não”.

Trong nhiều trường hợp, nạn nhân nghĩ mình là kẻ xấu, kẻ độc hại, như cô vợ ghen tuông kể trên. Nạn nhân càng hoang mang càng sợ bị bỏ rơi và lệ thuộc vào mối quan hệ với kẻ thao túng. Mấu chốt và sự lẩn quẩn của tâm lý cũng ở chỗ này. Vì vậy, người bị thao túng tâm lý rất khó thoát ra nếu không có sự giúp đỡ của người nhà, bạn bè, bác sĩ tâm lý…

Điểm mù tâm  lý và các kiểu “bắt nạt”

Hồi nhỏ, bạn có thể nghe những câu chuyện mang màu sắc hoang đường khó lý giải như chị X. không giàu có nhưng cũng ráng sắm chút vàng đeo cho bằng bạn bằng bè. Một hôm, X. gặp một phụ nữ lạ và lột hết vòng, nhẫn vàng và tiền đưa chị kia. Khi người lạ đi rồi, nạn nhân ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình.

Hay trường hợp khác, anh Y. là người chồng tốt, người con hiếu thảo. Sau khi gặp gỡ một cô gái trẻ, anh không những ruồng rẫy vợ con mà còn về quậy cha mẹ, đòi tiền đem cung phụng cho cô gái ấy. Mọi chuyện trôi qua, chính anh Y. cũng không hiểu vì sao có lúc mình mù quáng đến vậy.

Tương tự chị X., anh Y., ai cũng có những lúc hành động “không hiểu nổi”. Ví dụ không tin tưởng vào dịch vụ nọ nhưng bạn vẫn bỏ tiền mua; không muốn cho một người vay tiền nhưng vẫn dốc túi đưa hết cho họ…

Khi truyền thông phát triển, chúng ta có thể gặp khá nhiều kiểu tận dụng kỹ thuật tâm lý. Rất nhiều kế hoạch tuyên truyền, chiến lược marketing tận dụng việc dẫn dắt, bẫy tâm lý… để lèo lái sự lựa chọn của khách hàng. Không thiếu các vụ “truyền thông bẩn” đã nhận hiệu quả rất tốt cho tới khi… “lộ bài”.

M. Ryan Calo - một chuyên gia trong lĩnh vực này - cho rằng các doanh nghiệp rất chú ý khai thác sự dễ tổn thương của người tiêu dùng. Về cơ bản, internet giúp việc khai thác cảm xúc ở cấp độ cá nhân và thao túng các hành vi dễ dàng.

Nạn nhân của thao túng tâm lý bị một người hoặc một tổ chức nào đó dẫn dắt, từ từ mất sự tỉnh táo, khả năng phán đoán, kết quả, họ bị điều khiển một cách vô thức và hành động ngược với quy chuẩn, ranh giới đạo đức (Ảnh minh họa - atlascompanyNhìn xung quanh, ta cũng dễ dàng gặp một số người có năng lực gây ảnh hưởng tới người khác, khéo léo xui khiến người khác. Rõ nhất là các dạng thức kinh doanh đa cấp với tính chất lừa gạt. Nhiều kẻ hô hào góp vốn đầu tư, người ngoài nghe thấy rất vô lý, nhưng vẫn thu hút đông đảo người dốc cạn túi tham gia.

Các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra thuật ngữ “bắt nạt trí tuệ”. Kẻ thao túng sẽ khiến nạn nhân lầm tưởng họ rất am hiểu trong một lĩnh vực và hào hứng đi theo những người vượt trội về mặt trí tuệ, tin chắc vào thành công, từ đó dốc vốn đầu tư mù quáng.

Không phải ai cũng là đối tượng bị thao túng tâm lý. Kẻ độc hại thường nhắm vào những người cô đơn, yếu ớt về tâm lý, tin thái quá vào trực giác, hành xử thiên cảm xúc… Lời khuyên của các chuyên gia là khi có dấu hiệu nghi hoặc bản thân, bạn cần ghi lại các cảm xúc, liên hệ và chia sẻ với bạn bè, người thân, tìm tới sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia…

Đặc biệt, cần nâng cao khả năng phản biện, suy luận logic trong mọi việc để xóa “điểm mù tâm lý”, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt… 

Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Phụ Nữ Online
RELATED NEWS

Hơn 5.000 vé miễn phí tặng sinh viên, thanh niên công nhân về quê đón Tết Nguyên đán 2025

13635 Views
29-11-2024
Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 do Trung ương Đoàn phối hợp Công ty Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức, sẽ dành tặng 580 vé máy bay, 4.455 vé xe ô tô cho sinh viên, thanh niên công nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.

Loạt món ăn giàu dinh dưỡng, sang trọng từ việt quất Blue Royal từ gợi ý các KOL đình đám

13801 Views
21-11-2024
Nhiều KOL từ nhiều lĩnh vực cũng lựa chọn việt quất Blue Royal cho bữa ăn hàng ngày, góp phần lan tỏa lối sống chuẩn hoàng gia. Cụ thể, Hà My, Amandine, Nguyễn Hồ Trà My gợi ý bữa ăn giúp khỏe đẹp từ bên trong với Blue Royal.

Minh bạch hóa hướng dẫn uống trách nhiệm thông qua nhãn điện tử E-label từ Pernod Ricard

13851 Views
20-11-2024
Ngày 19/11/2024, tập đoàn Pernod Ricard vừa có buổi gặp gỡ báo chí truyền thông nhằm ra mắt Nhãn điện tử E-label. Pernod Ricard là một trong những tập đoàn rượu vang và rượu mạnh hàng đầu trên thế giới với vai trò tiên phong và cam kết thúc đẩy việc uống có trách nhiệm và có chừng mực. Sáng kiến này nhằm xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm mức, giúp người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định uống một cách sáng suốt.

Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 từ công bố bảng xếp hạng chính thức của Anphabe

13902 Views
20-11-2024
Tối 19/11, tại TP.HCM, Anphabe đã chính thức công bố kết quả Bảng xếp hạng được mong chờ 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Năm 2024, tổng hợp từ kết quả bình chọn khách quan của 65.000 người đi làm có kinh nghiệm trên toàn quốc đánh giá hơn 700 doanh nghiệp uy tín trong 18 ngành chủ lực, BXH tôn vinh Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam-khối doanh nghiệp lớn và Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam-khối doanh nghiệp vừa là các môi trường làm việc hấp dẫn dẫn nhất với người lao động.

Cho trẻ làm quen với nhạc cụ guitar để phát triển IQ và kiểm soát cảm xúc, giảm lo âu

37482 Views
12-09-2024
Trẻ em 6 tuổi trở lên đều có thể bắt đầu học Guitar. Điều này không chỉ giúp trẻ cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, IQ, phát triển thể chất mà còn giảm các triệu chứng lo âu, trầm cảm.