(Cosmolife.vn) Nhờ công nghệ, ngành thời trang thế giới đã thích nghi được với những ảnh hưởng của đại dịch. Khái niệm “số hoá" thời trang cũng từ đó được biết đến và áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với sự tiên phong của những thương hiệu cao cấp.
Từ sự thích nghi…
Ngành thời trang - vốn là ngành công nghiệp tiếp cận người dùng qua trải nghiệm thật từ các show diễn, triển lãm và cửa hàng đã trải qua hai năm khó khăn vì sự ảnh hưởng của đại dịch. Tuy vậy, thách thức này cũng đã tạo cơ hội để các nhãn hàng thời trang dần thích nghi với những phương thức vận hành kinh doanh mới nhờ vào sự giúp đỡ của các giải pháp công nghệ.
Nổi bật trong đó chính là E-commerce - thương mại điện tử. Theo số liệu từ Statista, tổng doanh thu của ngành thời trang thương mại điện tử đạt ở mức 775 tỉ USD và sẽ còn tăng trưởng phi mã trong những năm kế tiếp. Trên thực tế, các thương hiệu thời trang có cửa hàng thương mại điện tử đã tồn tại trong đại dịch và đến nay vẫn duy trì vị trí vững chắc của mình. Tại Việt Nam, người tiêu dùng hẳn cũng không còn xa lạ với những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…cùng những hình thức mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội.
Áp lực từ khủng hoảng COVID-19 cũng đã tạo điều kiện để chứng minh cho tiềm năng dồi dào của công nghệ thực tế ảo, vốn là một khái niệm không còn quá mới nhưng chưa hẳn thịnh hành với ngành thời trang khi đó. Việc sử dụng VR và AR được các nhãn hàng đẩy mạnh trong thời gian này, và đến nay đã trở thành top xu hướng nổi bật của ngành.
Gucci đem đến trải nghiệm “ướm thử" đôi giày yêu thích ngay tại nhà
Từ thời kì dịch bệnh đến giai đoạn bình thường mới, công nghệ đã thật sự giúp tăng cường trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Tại Việt Nam, khái niệm công nghệ thực tế ảo cũng không phải xa lạ khi đã có rất nhiều ứng dụng trong gaming (VR headset) và mạng xã hội (các filter bộ lọc trong mạng xã hội), tuy nhiên vẫn chưa có nhiều ứng dụng của những công nghệ này trong ngành thời trang, đa phần bởi đây là những công nghệ vẫn còn phức tạp trong khâu thực thi và tốn khá nhiều chi phí.
Nirvana Streetwear tiên phong với show diễn thời trang ảo cho bộ sưu tập xuân hè 2022
…đến xu hướng phát triển tất yếu của ngành
Sau sự kiện Facebook đổi tên thành Meta, khái niệm Metaverse - Vũ trụ ảo trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Đi từ công nghệ thực tế ảo VR và AR, Metaverse mở ra không gian trực tuyến tương tác của người dùng đa chiều hơn. Thay vì chỉ xem nội dung kỹ thuật số, người dùng trong Metaverse sẽ có thể đắm mình trong không gian của thế giới kỹ thuật số ảo. Sự xuất hiện của Metaverse đang dần xoá đi khoảng cách giữa thực và ảo trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, tạo điều kiện cho một xu hướng mới trong ngành thời trang, đó chính là thời trang ảo - Digital fashion. Đây là khái niệm còn khá mới với thời trang Việt Nam, nhưng đang được tiếp thu và tiên phong phát triển bởi thế hệ trẻ - thế hệ “kỹ thuật số bản địa”.
Digital fashion thường được biết đến với hai khía cạnh: Người mẫu ảo - Virtual model và Thời trang số - Digital fashion. Người mẫu ảo - hay Virtual model được tạo nên bởi các công nghệ thực tế ảo, thời gian đầu là để trình diễn thời trang số nhưng về sau đã trở thành xu hướng của ngành mốt. Lợi ích của việc sử dụng mẫu ảo là dễ dàng thay đổi tạo hình, không bị giới hạn về di chuyển, không scandal. Đồng thời, các thương hiệu sẽ hoàn toàn kiểm soát hình ảnh và cách thức quảng bá đối với mẫu ảo. Chính vì vậy, người mẫu ảo “miền đất hứa" khó có thể bỏ lỡ của các nhãn hàng thời trang cao cấp trên thế giới.
Shudu - siêu mẫu ảo đầu tiên trên thế giới hợp tác cùng nhãn hàng đá quý Chopard
Lil Miquela - gương mặt đại diện mới của nhãn hàng thời trang PacSun
Imma - mẫu ảo người Nhật Bản trong trang phục của Balenciaga
Tại Việt Nam, các nhãn hàng thời trang cũng đã có động thái sử dụng người mẫu ảo cho những chiến dịch của mình. Một số thương hiệu thời trang tiên bắt đầu phong chính trong lĩnh vực mới mẽ này. Đây là local brand nổi tiếng với những sáng tạo về túi lấy cảm hứng từ câu chuyện đậm chất Việt Nam. Trong bộ sưu tập mới nhất, nhà mốt này đã hợp tác cùng một mẫu ảo Việt Nam mới ra mắt vào giữa năm nay để quảng bá cho hai chiếc túi Mầm và Đậu Đũa của mình. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các loài cây leo giản dị, là món ăn dân dã, quen thuộc của người dân Việt Nam như bầu, bí, đậu đũa.
Nhánh còn lại trong khái niệm Digital Fashion là Thời trang số - những bộ trang phục được tạo ra hoàn toàn từ các phần mềm 3D. Mua sắm thời trang số cũng không khác gì so với mua sắm các thiết kế may đo vật lý. Người mua vẫn chọn chất liệu, kiểu dáng để nhà thiết kế vẽ mẫu, nối các đường may, hoàn thiện tỷ lệ và xây dựng thành một bộ cánh như ý muốn. Với thời trang số, giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của bạn.
Bộ cánh “tưởng thật mà ảo" đến từ The Fabricant - nhà mốt “ảo" nổi tiếng đến từ Hà Lan
So với ngành công nghiệp thời trang truyền thống, thời trang số thân thiện hơn với môi trường do giảm thiểu được đáng kể chất thải may mặc, đồng thời tiết kiệm được tài nguyên và làm giảm lượng khí thải carbon do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.
Tribute Brand với bộ váy chứng minh “không gì là không thể" với thời trang ảo
Tại Việt Nam, thời trang số tuy chưa nở rộ nhưng cũng đã có một số những người trẻ tiên phong kinh doanh mặt hàng thời trang ảo của riêng mình.
Tlinh và chiếc váy ảo đến từ 143dress
Người mẫu ảo khả năng tương tác, “hoà nhập" tốt với bối cảnh chụp, sản phẩm và người mẫu thật, hay thời trang số với những bộ trang phục có thể đánh bại quy luật vật lý, không ràng buộc về sự sáng tạo chính là bảo chứng cho một tương lai bắt kịp xu hướng của thời trang Việt Nam. Với công nghệ, giờ đây ranh giới giữa thực và ảo được xoá nhoà, mở ra những “miền đất hứa" về kinh doanh và quảng bá cho ngành thời trang Việt Nam. Kỷ nguyên Digital Fashion được dự đoán sẽ tạo ra cuộc cách mạng về văn hoá tiêu dùng trong thời trang, đặc biệt là ở Việt Nam trong tương lai không xa.
Text: Thị Dân – Cosmolife.vn | Source: General