(Cosmolife.vn) Cuộc đời chẳng qua chỉ là nhiều lần chục năm cộng lại. Cứ mỗi một giai đoạn mười năm qua đi, những chuyện bạn trải qua, những người bạn gặp, điều bạn theo đuổi lại khác đi. Không ai có được tất cả bao giờ, trong quá trình theo đuổi thứ này, kiểu gì bạn cũng phải từ bỏ thứ khác. Thế là chúng ta mất cả đời để trả lời câu hỏi mình nên giữ cái gì, bỏ cái gì đây?
Nhưng dù chọn cuộc sống thế nào đi chăng nữa, sẽ luôn có những điểm chung, những mốc "KPI cuộc đời" mà ai cũng cần đạt được. Chúng không được đo bằng việc bạn đã mua được nhà, mua được xe hay chưa, đã kết hôn hay mãi chưa tìm được người thích hợp, sinh được mấy bé rồi… Những mốc thành tựu đó chỉ là sự hiểu lầm của chúng ta về cuộc đời, mục tiêu lớn nhất của cuộc đời bạn luôn là sự trưởng thành.
Theo đó, nếu cuộc đời có KPI, thì chúng sẽ là bảy mốc sau đây:
Khi lên mười
Dù vẫn còn là một đứa trẻ, nhưng là một đứa trẻ hiểu chuyện, bạn sẽ không so bì tiền tiêu vặt hay nhãn hiệu quần áo mình mặc với những đứa trẻ khác nữa.
Tuổi này là đủ để bạn hiểu tiền của gia đình không phải thành tựu của con cái, cũng không phải điều quan trọng đủ để suốt ngày mang ra so bì tị nạnh, khiến chính bạn trở nên xấu tính.
Năm 20 tuổi
Một thanh niên biết suy nghĩ lúc này sẽ không so đo xuất thân, điều kiện gia đình hay nghề nghiệp của cha mẹ nữa.
Vài năm trước đó, ở cái tuổi ẩm ương, bọn trẻ hay lẫn lộn các giá trị, đua đòi những thứ không quan trọng, xấu hổ vì những điều chẳng đáng là gì. Nhưng tuổi 20 đã là lúc bạn bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, cần suy nghĩ chín chắn hơn.
Năm 30 tuổi
Lúc này, bạn đã tích lũy được một số kinh nghiệm sống nhất định, đủ để hiểu và chịu trách nhiệm với những lựa chọn quan trọng trong đời.
Có thể bạn đã kết hôn, bạn hài lòng với bạn đời của mình, bạn không có hứng thú so sánh xem trong đám bạn ai lấy vợ xinh hơn, hay ai lấy được chồng cao hơn giàu hơn, bạn biết những phép so sánh đó đều rất nhạt nhẽo.
Có thể bạn chưa kết hôn, hay chưa muốn kết hôn vì một vài lý do. Nhưng kể cả thế, bạn cũng không nên ghen tỵ và lo lắng, bạn biết hiện tại bạn cần gì, bạn đang chờ đợi điều gì.
Năm 40 tuổi
Bạn không còn sợ người khác bàn ra tán vào về mình nữa, ai muốn nói gì thì nói, mình sống thế nào vẫn là việc của mình.
Cố ép mình sống theo cách mình không muốn chỉ vì sợ đàm tiếu là một lựa chọn dại dột, người sáng suốt không bao giờ đẩy mình vào tình cảnh đó.
Năm 50 tuổi
Những chuyện lông gà vỏ tỏi từng khiến bạn bực bội giờ không còn làm bạn bận tâm nữa. Bạn cũng không ghen tỵ với thành công của người khác, không tị nạnh sao họ cũng như mình mà lại thành công hơn. Cái gì không phải của mình, đâu cần để ý quá.
Bạn đã đến tầm tuổi từng trải, gặp đủ kiểu người kiểu chuyện trên đời, không còn sửng sốt, không còn kích động, bạn học được cách bình tĩnh, hành sự ổn định, vững vàng.
Năm 60 tuổi
Ở tuổi 60, nếu bạn làm cán bộ, hẳn cũng không còn muốn so đo chức cao chức thấp nữa. Về hưu rồi ai cũng vậy cả, đều là ông bà già sáng tập thể dục chiều ra đánh cờ.
Nếu bạn kinh doanh, hẳn cũng không còn so đo lợi to lợi nhỏ quá nữa. Tiền nay không kiếm thì mai kiếm, tiền kiếm không hết, nhưng sức để tiêu thì có hạn. Khỏe mạnh an yên mới là quan trọng.
Năm 70 tuổi
Bạn sẽ nhìn cuộc đời với con mắt bàng quan và bình tĩnh hơn nhiều.
Những thứ bạn từng cố gắng tranh giành, từng ganh đua từng tý một, giờ không còn khiến bạn nặng lòng. Đôi lúc bạn sẽ có chút suy ngẫm về cuộc đời, nhưng cũng chỉ vậy mà thôi.
Tầm này bạn chỉ mong có sức khỏe, gia đình hòa thuận, mỗi ngày bình yên.
Đứng trước ba điều kia, mọi thứ đều có thể từ bỏ.
Cứ thế, một đời sống mãi rồi cũng hết, sống thế nào rồi cũng hoàn chỉnh. Bạn có thể có cái này cái kia, có thể không, rồi cuối cùng tất cả chỉ còn là chút chiêm nghiệm tuổi già.
Đấy là những điều tôi rút ra được, còn bạn thì sao? Giờ bạn bao nhiêu tuổi, bạn đã trưởng thành đến đâu rồi?
Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Doanh Nghiệp và Tiếp Thị