(Cosmolife.vn) Luật Hôn nhân và gia đình quy định “lỗi ngoại tình” là căn cứ để ly hôn, yếu tố quyết định trong phân chia tài sản. Thế nhưng, bản chất của ngoại tình là vụng trộm, lén lút. Do đó, trên phương diện tình cảm, không ít người biết đối phương đã phản bội nhưng việc truy tìm chứng cứ để “phá án” ngoại tình lại không hề dễ dàng.
Bảng danh sách nhân chứng
Không bệnh viện nào hợp tác nên ông D. (Q.7, TP. HCM) đành khép lại hành trình nửa năm đi khắp các bệnh viện phụ sản hỏi thăm vợ mình có từng đến khám thai và nếu có thì xin cho trích lục hồ sơ.
Không bỏ cuộc, ông đổi sang “chiến thuật” thu thập các bản ghi âm, hình ảnh, bản cam kết của… hàng xóm sống quanh nhà bà T. - vợ ông - để làm chứng cứ chứng minh bà ngoại tình.
Theo đó, bảng danh sách nhân chứng thể hiện: “Thấy có người đàn ông thi thoảng ghé nhà bà T.”, “Thấy bà T. bụng lớn như có bầu”, “Có lần, bà T. khoe vừa đi khám thai về”…
Trong mười năm hôn nhân, ông D. và bà T. tạo dựng được khối tài sản là căn nhà trị giá hàng chục tỷ đồng ở Q.1, TP.HCM. Do cuộc sống phát sinh nhiều mâu thuẫn, ông D. đưa con gái về Q.7 ở với cha mẹ mình. Qua một năm ly thân, ông D. cần tiền làm ăn và cho con gái đi du học nên quyết định ly hôn để phân chia tài sản.
Sau nhiều lần bà T. cáo bệnh, cuối cùng, bà đến buổi hòa giải đầu tiên với chiếc bụng lùm lùm. Trước thắc mắc của chồng, bà tuyên bố mình bị bạo bệnh, phải uống thuốc khiến… bụng sưng to. Ông D. không tin, lập tức yêu cầu cho thời gian để chứng minh lỗi ngoại tình của vợ.
Phiên tòa được mở lại, bảng danh sách chứng cứ của ông D. không được tòa chấp thuận. Theo ông D., trong thời gian ông nhọc nhằn thu thập chứng cứ, bà T. đã về quê sinh con, đưa cho người khác nuôi dưỡng. Ông và… ai quen biết vợ chồng ông cũng đều biết vậy, song để có chứng cứ chứng minh bà sinh con, ông lại không sao tìm được. “Tôi thuê cả người về quê canh cô ta đi sinh nhưng cô ta trốn rất kỹ” - ông D. cho biết.
Nhiều chứng cứ nhưng không đủ thuyết phục
Lực bất tòng tâm trong “phá án” chồng ngoại tình cũng là nỗi đau của bà C. (Q.Tân Phú, TPHCM): “Ai cũng biết ổng ngoại tình, chỉ tòa là không biết”.
Năm 2012, sau gần 15 năm chung sống, ông B. - chồng bà C. - bất ngờ đưa người tình đang mang bầu bảy tháng về để nhờ vợ giải quyết. Dẫu suy sụp nhưng bà C. cũng đồng ý yêu cầu của cô gái: đưa một khoản tiền lớn để cô về quê mua nhà và một mình nuôi con, “trả” ông B. lại cho gia đình. Mấy tháng sau, bà C. mượn xe chồng đi công việc. Lúc mở cốp đổ xăng, bà phát hiện tờ giấy chứng sinh của đứa trẻ chào đời cách đó mấy hôm, ở mục người giám hộ ghi tên ông B.
Âm thầm bám theo chồng, bà C. muốn chết đứng khi phát hiện ông B. và người tình vẫn qua lại, “tổ ấm” của họ là căn nhà được mua bằng số tiền năm xưa bà dùng để “chuộc chồng”. Thương các con còn nhỏ, rồi cha mẹ hai bên khuyên nhủ, bà C. bấm bụng “mắt nhắm mắt mở” để chồng đi lại giữa hai gia đình. Bảy năm đó, bà nhiều lần khổ sở đi chuộc lại giấy tờ sở hữu sạp hàng ngoài chợ do ông B. trộm mang đi vay nóng. Một ngày, ông tiếp tục mang về một tờ giấy vay 500 triệu đồng, nói đây là khoản ngày trước vay dùng sửa nhà và chữa bệnh cho cha mẹ.
Hết sức chịu đựng, bà C. xin ly hôn. Bà được nhiều người chỉ dẫn phải tố cáo chồng có con riêng với hy vọng “lỗi ngoại tình” của ông B. giúp bà lợi thế hơn trong tranh chấp tài sản. Tiếc thay, qua các phiên xét xử, chứng cứ của bà đều không đủ thuyết phục. “Hồi ổng đưa cô ta về, tôi đâu có ghi âm, quay hình cuộc nói chuyện” - bà C. nói. Còn với bản chứng sinh năm xưa vốn đã được bà photo cất giữ, tòa lại cho rằng đó chỉ là bản photo, giám định chữ ký đúng là của ông B. song việc là “người giám hộ” lại không đủ tính pháp lý kết luận ông là cha ruột của đứa trẻ.
Khó khăn hơn cho bà C., từ lúc gửi đơn ly hôn, người tình của chồng cũng lập tức ôm đứa trẻ cao bay xa chạy. Ngoài ông B., không ai biết họ đang ở phương trời nào.
Tỷ lệ ly hôn vì ngoại tình chiếm trên 50%
Ở chợ Tân Hương, chuyện của bà C. được nhiều người biết đến với nỗi buồn “gái có công, chồng vẫn phụ”. Dù bận bịu buôn bán ở chợ nhưng bà vẫn nuôi nấng ba đứa con nên người. Bà cũng là người phụng dưỡng cha mẹ chồng, đến nỗi chính họ sau một thời gian khuyên bà “ráng đi con, đàn ông đi ớn rồi cũng về” đã quay sang ủng hộ quyết định ly hôn để bà bớt khổ.
“Cha chồng bệnh, bả bỏ sạp vào bệnh viện túc trực. Các em chồng cần tiền làm ăn, xin việc, bả đều giúp hết lòng”, một bạn hàng của bà C. khẳng định.
Sau một năm ly hôn, tài sản chia đôi, bà C. chia sẻ: “Mấy mẹ con tui sống rất khỏe”. Nhìn lại quãng đời đó, bà C. nói điều bà tự trách nhất chính là trong một năm tòa thụ lý đơn đến khi xét xử, bà nhiều lần bỏ sạp để mải miết đi thu thập chứng cứ chồng có “tổ ấm” khác.
Bà kể: “Hồi đó, hễ nghe ai nói thấy chồng tôi chở một cô ở đâu đó hay bắt gặp vợ nhỏ ổng ở đâu là tui tức tốc đi tìm”. Cũng theo bà, dù không được nhận phần hơn về tài sản nhưng “chiến thắng” lớn nhất trong cuộc ly hôn là các con bà không còn chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau; không chất thêm những uất hận, căm ghét cha nhiều lần mang những món nợ trời ơi về gia đình.
Thống kê của ngành tòa án TP. HCM cho thấy tỷ lệ ly hôn vì ngoại tình chiếm trên 50% vụ việc. Theo một thẩm phán, đời sống vợ chồng vốn nảy sinh nhiều mâu thuẫn, thiếu hòa hợp mới dẫn đến ngoại tình. Rồi, một khi chuyện ngoại tình bị phát giác, quan hệ hôn nhân lại càng thêm tan nát, khó cứu vãn. Lúc này, việc có chứng cứ hay không không phải vấn đề trong quyết định ly hôn. Thậm chí, càng có nhiều chứng cứ lại càng khó… duy trì cuộc chung sống.
“Vậy nhưng, đối với nhiều vụ việc có tranh chấp tài sản, nhất là tài sản càng lớn thì chứng cứ càng nhiều, càng thuyết phục lại càng là một lợi thế”, vị này khẳng định.
Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Phụ Nữ Online