Giao lưu cùng 5 tác giả trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nhà xuất bản Trẻ
17732 Views
21-09-2024
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Người Thành Thị  – Cosmolife.vn) Các tác giả đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về quá trình sáng tác, những khám phá mới về ngôn ngữ Việt và giải đáp những thắc mắc của độc giả vào ngày 21/9/2024 tại Đường sách TP.HCM trong chương trình Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp" do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.

Sáng 21/9/2024 tại Đường sách TP.HCM, sự kiện giao lưu cùng các tác giả của bộ sách ‘Tiếng Việt giàu đẹp’ do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức vừa diễn ra. Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ nhiều hơn về nguồn cảm hứng để chắp bút nên những nghiên cứu thú vị cũng như rất nhiều đặc điểm độc đáo của thứ ngôn ngữ mà ta vẫn dùng hàng ngày.

Theo đó, bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp tính cho đến nay đã lên đến con số 11 tựa sách, là sự đóng góp của nhiều tác giả đến từ những lĩnh vực khác nhau, từ giới nghiên cứu về ngôn ngữ cho đến báo chí cũng như những người thường xuyên tiếp xúc với chữ nghĩa. Trong những năm qua, đây là các tựa đã liên tục được tái bản, được nhiều thế hệ độc giả quan tâm, yêu thích.

Là tác giả của 4 tựa sách trong bộ Tiếng Việt giàu đẹp, đặc biệt có cuốn đã được tái bản đến lần thứ 9, GS. TS. Nguyễn Đức Dân chia sẻ mình đến với việc nghiên cứu tiếng Việt một cách vô tình. Ông kể bản thân là giáo viên chuyên toán đầu tiên của Hà Nội, nhưng trong cuộc sống cũng như giảng dạy có những câu nói thường dùng nhưng để hiểu được ẩn ý sâu xa thì không dễ dàng, từ đó ông đã tò mò, dấn thân tìm hiểu. Là người gần như “ngoại đạo”, ông đã miệt mài tìm hiểu để đưa ra bản chất cũng như cái hay của tiếng Việt.

Trong đó thành ngữ tục ngữ là một kho tàng đầy triết lý sống mà không phải ai cũng có thể hiểu một cách tường tận. Chẳng hạn ông đặt câu hỏi liệu rằng hai câu “không thầy đố mày làm nên” và “học thầy không tày học bạn” có mâu thuẫn không, từ đó chứng minh nó qua nghệ thuật biểu trưng. Ông cũng tiết lộ tiếng Việt có những hành vi ngôn ngữ đặc biệt, thể hiện ở những câu hỏi nhưng lại không dùng để hỏi mà thường thể hiện thái độ (“muốn ăn đòn không?”...). Điều này tuy khá quen thuộc riêng với người Việt nhưng để chuyển ngữ thì không thể được.

Nhà báo Lê Minh Quốc (bìa phải) cho rằng để hiểu và biết chơi chữ thì cũng cần có nền tảng về tiếng Việt.

Nhà báo Lê Minh Quốc, tác giả cuốn Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, là tựa sách mới nhất trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp, cũng khẳng định rằng tiếng Việt vô cùng đa dạng và nhiều màu sắc. Ông chia sẻ không phải người Việt nào cũng hiểu tiếng Việt một cách sâu sắc, cũng như trong cuộc sống này không có “vua tiếng Việt” (như tên một gameshow truyền hình) mà đó phải là quá trình tìm tòi, học hỏi lẫn nhau.

Theo nhà báo Lê Minh Quốc không chỉ kế thừa qua kho ca dao, tục ngữ, mà tiếng Việt cũng còn tiếp biến bởi như tác giả chỉ ra, vay mượn là điều tất yếu thế nhưng người Việt luôn biết thay đổi sao cho phù hợp, từ đó có thể khẳng định sự vay mượn ấy khi vào nước Việt thì phải chịu sự chi phối theo tâm lý cũng như tính cách người Việt.

Về đời sống hiện đại, các tác giả cũng bàn rất sâu về một trong những vấn đề được thế hệ trẻ sử dụng tương đối thường xuyên trong cách giao tiếp hàng ngày đó là chơi chữ. PGS-TS. Trần Thị Ngọc Lang giải thích có được điều đó là bởi tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, có âm tiết trùng với hình vị và từ, và cũng không chỉ mới đây mà từ xa xưa thì ông cha ta đã dùng phép điệp, phép đối cũng như nói láy... từ đó nó đã trở thành một nét đặc trưng và được sử dụng từ giới nghiên cứu cho đến bình dân.

PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang chia sẻ về những nghiên cứu thú vị của mình về phương ngữ Nam Bộ. 

Tác giả Lê Minh Quốc cho rằng chơi chữ không hề đơn giản mà cũng cần có hiểu biết và trình độ văn hóa nhất định để hiểu và thấy nó hay. Ông dẫn chứng rằng ông cha ta có lối dẫn ra một nửa câu Kiều, chẳng hạn “rằng hay thì thật là hay”, những tưởng là một lời khen nhưng khi phân tích kỹ hơn thì nó không hẳn như thế.

Ngoài ra chơi chữ cũng cần phù hợp với bối cảnh, thậm chí là các quy luật âm điệu lên xuống sao cho đạt được hiệu ứng tốt nhất… Nhà báo Dương Thanh Truyền cũng kể lại kỉ niệm và sự thán phục qua lối chơi chữ đến đơn vị kí tự nhỏ nhất của người Việt ta, như “vá ép” thành “vá f” hay “y” từng được đọc là “y cờ rết” để rồi đọc lái lại thành “ếch cà ri”…

Có mặt tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Trịnh Sâm, tác giả của tựa sách Đi tìm bản sắc tiếng Việt cũng chia sẻ về tựa sách của mình, rằng vì sao phải tìm kiếm bản sắc của tiếng Việt? Ông cho biết sau quá trình tìm hiểu lâu dài, thì bản thân thấy tiếng Việt không dừng lại tại chỗ mà là liên tục thay đổi cũng như biến đổi qua quá trình nhận thức. Ông cũng khẳng định tiếng Việt có nhiều đặc điểm, mà một trong số đó là tri nhận luận. Chẳng hạn như sự liên tưởng về nghĩa trong cấu âm, khiến cho các từ “khúm”, “núm”, “bụng”... khi đọc lên cho ta cảm giác về sự co cụm, trong khi “đứt”, “rứt”, “dứt”... lại là cảm xúc phạt ngang, có thể tưởng tượng khi cất tiếng nói.

Hai tác giả Dương Thanh Truyền (giữa) và Trịnh Sâm (bìa phải) đã mang đến nhiều ví dụ thú vị về cách nói ngược, nói xuôi, nói lái của tiếng Việt.

Đồng ý với nhận định tiếng Việt luôn luôn thay đổi cũng như tiếp biến, PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang, tác giả của tựa sách Tiếng Việt phương Nam cũng cho ta thấy phương ngữ Nam bộ chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ ảnh hưởng của điều kiện địa lý tự nhiên cũng như văn hóa xã hội. Về mặt địa lý, Nam bộ có nhiều sông rạch dẫn đến từ ngữ về sông nước là rất phong phú. Bà kể lại khi trình bày công trình nghiên cứu của mình về đối tượng này trong Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ nhiều thập niên trước, thì đa phần mọi người đều rất bất ngờ, không nghĩ phương ngữ miền Nam có thể đa dạng, phong phú đến thế.

Ở khía cạnh văn hóa xã hội, do là nơi tụ hội của nhiều di dân từ khắp nơi để rồi cùng nhau chung sống với người Khmer, người Hoa… mà sự giao thoa cũng dần hình thành. Nhưng cái hay, bà cũng đồng tình với nhà báo Lê Minh Quốc, là người Việt luôn biết tiếp biến cũng như biến đổi để nó không giống nguyên gốc. Chẳng hạn, từ “một mình” trong tiếng Khmer đó là chữ “ên” nhưng người dân ta lại rất uyển chuyển để dùng hai tiếng “mình ên”. Tương tự là từ vay mượn từ tiếng Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến… của cộng đồng Minh Hương trong các món ăn hay trò chơi, từ đó tạo ra những từ thường dùng ngày nay như “lạp xưởng”, “xíu mại”, “xí muội”... Sau khi tiếp xúc với tiếng Pháp, Mỹ thì tiếng Việt lại càng ngày càng phong phú hơn.

Trong buổi tọa đàm, PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang cũng chia sẻ về những phát hiện của bản thân trong cuốn Tiếng Việt phương Nam, như cách dùng phương ngữ qua 3 thời kỳ trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư. Ngoài ra bà cũng nhận thấy rằng người Nam bộ có cách diễn đạt vô cùng rõ ràng, trực tiếp và dứt khoát, được thể hiện qua kho ca dao, tục ngữ phong phú, chẳng hạn như câu “Thò tay mà ngắt cọng ngò/ Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”... Đây có thể nói là một công trình thú vị không chỉ cho riêng tiếng Việt mà còn là ở khía cạnh phương ngữ mang tính địa phương.

Qua buổi chia sẻ, các diễn giả đã chứng minh rằng tiếng Việt ta dùng vô cùng giàu đẹp cũng như phong phú. Trong cuộc sống hàng ngày, có thể vì quá quen thuộc mà không nhiều người nhận ra điều đó. Vì thế qua bộ Tiếng Việt giàu đẹp, những vẻ đẹp này sẽ được gợi nhắc, từ đó giúp ta thêm hiểu, thêm yêu và thêm trân quý ngôn ngữ dân tộc.

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp: Toàn bộ 11 ấn phẩm được in và tái bản sau này, được Nhà xuất bản Trẻ đầu tư với thiết kế hiện đại, khổ sách gọn gàng, bìa mềm dễ cầm đọc, là bộ sách công cụ phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Bộ sách sử dụng những ví dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay từ nhiều nguồn: ca dao tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường, và cả ngôn ngữ mạng. Phương ngữ các vùng miền cũng là một nội dung quan trọng trong bộ sách này. Trong đó có ấn phẩm đã tái bản lần thứ 9.
Publish: Người Thành Thị – Cosmolife.vn | Source: Nhà xuất bản Trẻ
RELATED NEWS

Nông sản Việt Nam & Thế giới, những câu chuyện kinh doanh: 29 bài học thương trường của CEO Phúc Sinh Group Phan Minh Thông

13597 Views
09-01-2025
Cuốn sách “Nông sản Việt Nam & Thế giới, những câu chuyện kinh doanh” của tác giả Phan Minh Thông, là 29 câu chuyện được tác giả ghi chép trong suốt nhiều năm, từ những bài báo đăng dịp Tết, các trải nghiệm thực tế trong kinh doanh, đến tập hợp bài viết đậm chất nghệ thuật và sưu tầm tranh quý. Từng trang sách không chỉ là những lát cắt về thương trường, mà còn là hành trình khám phá vẻ đẹp của văn hóa và nghệ thuật, nơi nam doanh nhân dừng chân chiêm ngưỡng những bức họa đầy cảm xúc và chia sẻ góc nhìn tinh tế về giá trị sáng tạo, lưu trữ những nét đẹp văn hóa.

Có một mùa hè chưa từng lãng quên, gửi lại thanh xuân rực rỡ

13951 Views
07-12-2024
Bạn đã bao giờ thấy mùa hè giống hệt như tuổi trẻ của mình? Một tuổi trẻ bất chợt vội vàng, như chưa kịp chuẩn bị đã phải lớn lên, chấp nhận va vấp và đối diện với giông bão. Nhưng cũng chính mùa hè ấy, qua mỗi lần thử thách, lại cho ta cơ hội đứng dậy và bước tiếp, trưởng thành hơn, kiên cường hơn. Và rồi, mỗi mùa hè qua đi, chúng ta thêm chút kinh nghiệm, bớt chút vụng dại, để tuổi trẻ trở thành một phần ký ức đẹp đẽ trong đời, thứ mà sau này khi nhớ lại, chúng ta sẽ không hối tiếc.

Khai trương Nhà sách Phương Nam tại Crescent Mall, Quận 7, TP. HCM

13693 Views
15-11-2024
Sáng ngày 15/11/2024, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) khai trương Nhà Sách Phương Nam mới tại TTTM Crescent Mall (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) hứa hẹn trở thành điểm hẹn quen thuộc ở phía Nam dành cho người thành thị.

Sếp tồi - Làm gì khi bạn có một người sếp tồi, phải quản lý sếp tồi, hay chính bạn là sếp tồi?: Chỉ dẫn 4 bước để tạm biệt

16367 Views
09-09-2024
Chúng ta sống ở nơi làm việc đến 1/3 tổng thời gian của một ngày, nhưng phải làm gì nếu bạn đang khổ sở và kiệt sức dưới trướng của một người sếp tồi, hoặc đang phải quản lý sếp tồi, hay chính bạn là sếp tồi?

Thiền là gì?: Hiểu về thiền trong tư tưởng của triết gia Krishnamurti

22828 Views
23-08-2024
Ngày nay, thiền càng ngày càng trở nên phổ biến với vô số trường phái, hệ thống và phương pháp tiếp cận khác nhau. Vậy thiền thực chất là gì? Tại sao người ta nên thiền? Và thiền sẽ đưa bạn đến đâu?