(Cosmolife.vn) Khi nhắc đến triết lý, chúng ta hay nghĩ về những điều lớn lao, được quy tụ lại bởi một người nào đó có “tầm ảnh hưởng”, thường hướng theo một lối sống tích cực. Vậy bạn có bao giờ nghe thấy một “triết lí ngược đời”? Hãy cùng tìm hiểu bộ sách này để xem rằng bạn có thể học được gì từ những triết lí ngược nhé!
Triết Lý Của Kẻ Lười Biếng
“Đừng lười biếng nữa!” - Đó là một câu nói quen thuộc mà những người lười biếng hay nhận được từ mọi người. Lười biếng có thực sự xấu? Tại sao chúng ta lại hay chỉ trích những kẻ lười biếng? Trong cuốn sách Triết Lý Của Những Kẻ Lười Biếng, tác giả Alison Suen sẽ đi ngược lại với con đường mòn mà con người đặt ra - chúng ta lúc nào cũng cần phải phát huy hết hiệu suất khi làm bất cứ việc gì. Tác giả cũng thấy nực cười khi người ta luôn luôn chỉ trích những kẻ lười biếng - những cá nhân chỉ làm cho qua chuyện để được yên thân.
Bà đưa ra phân loại những kiểu chỉ trích người lười biếng thường thấy, và biện luận rằng những đánh giá trên sai, hoặc là tiền đề của những đánh giá đó có vấn đề. Tuy cuốn sách này bào chữa cho sự lười biếng, nhưng nó không hề bênh vực lối sống lười biếng và nâng tầm nó lên thành chìa khóa hướng đến điều gì đó tốt đẹp hơn. Bằng việc nghiên cứu văn hóa phát huy hiệu suất làm việc, Suen đã nhận định một thực tế rằng đôi khi lười biếng không hề xấu, thậm chí những người lười biếng là những người rất “thông minh” và họ luôn tìm ra cách làm “nhanh nhất có thể”. Người lười biếng chẳng qua chỉ lười biếng mà thôi. Đây sẽ là cuốn sách “minh oan” cho những người lười, buộc chúng ta phải cân nhắc trước khi miêu tả họ bằng những ngôn từ xấu xí. Nếu bạn đang là một “người lười biếng” thì hãy đọc nó, chắc chắn bạn sẽ không còn cảm thấy “cô đơn” bởi có rất nhiều người giống như bạn.
Triết Lí Của Người Hai Mặt
Đa số chúng ta trải nghiệm thế giới thông qua các quan điểm đối nghịch. Một người bạn của bạn, anh ta có thể ngốc nghếch ở góc nhìn này, nhưng dưới một góc nhìn khác, anh ta lại hết sức thông minh. Việc hai quan điểm cùng tồn tại một lúc có thể là điều đáng lo ngại, nó dấy lên mâu thuẫn trong việc đánh giá các giá trị và làm giảm khả năng sống có mục đích và hiệu quả mọi việc xung quanh chúng ta. Tuy vậy, mâu thuẫn lại có thể mang lại những lợi ích không tưởng.
Cuốn sách Triết Lí Của Người Hai Mặt sẽ đưa chúng ta đến với những lý giải về xung đột và những mặt tích cực mà nó đem lại. Khi nhìn nhận một sự việc, một vấn đề dưới nhiều góc nhìn, xung đột sẽ mang lại những giải pháp cực kỳ hiệu quả. Không những vậy, cuốn sách còn mô tả những con người mang “lý trí kép” - những người có nhiều quan điểm đối lập xuất hiện cùng một lúc. Cuộc sống hẳn sẽ dễ dàng hơn nếu xung đột nội tâm bạn không tồn tại. Nhưng khi có nó, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống mình hết sức đa dạng, tích lũy thêm được nhiều kiến thức và có một góc nhìn đa chiều hơn trong cùng một vấn đề.
Triết Lí Của Người Giàu Sang
Sự giàu có mang lại cho chúng ta sự tự do, trao cho chúng ta cơ hội tốt nhất để sống một cuộc đời đích thực. Nhưng một số người lại cho rằng: người càng có nhiều tiền thì càng phải giúp đỡ người khác và đôi khi “người giàu có” lại bị đánh giá một cách khắt khe hơn so với người bình thường. Với cuốn sách Triết Lý Của Người Giàu Sang, tác giả sẽ mang đến cho mọi người một cái nhìn mới mẻ, thú vị và có phần gây kinh ngạc và đầy khiêu khích về giàu - nghèo. Đồng thời cũng bác bỏ và đưa ra một số quan điểm về người giàu: Người giàu nhất định phải làm từ thiện, người giàu không nên vung phí tiền bạc vào những thú vui tội lỗi…Chẳng có gì sai nếu bạn giàu có và tận hưởng điều đó. Điều thú vị hơn nữa đó là tác giả sẽ mang đến cho chúng ta một cách tiếp cận hoàn toàn mới về tiền bạc và đạo đức: Chúng ta cần phải kiếm tiền, tiêu tiền và thậm chí có thể phung phí tiền bạc mà không cảm thấy tội lỗi, miễn đó là “tiền sạch”.
Triết Lí Của Người Ra Quyết Định Sai
Tất cả chúng ta luôn có thể đưa ra lựa chọn sai lầm vào lúc nào đó trong cuộc sống và câu hỏi ở đây là ta nên làm gì trong trường hợp đó. Đừng lo, nếu lựa chọn của bạn rõ ràng là rất tệ, nhưng khi thực hiện nó, bạn cảm thấy được tự do thì “chẳng sao cả”. Tuy nhiên, một số lựa chọn sai lầm không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy ngay được cho đến tận khi bắt tay vào thực hiện, vậy cũng chưa là vấn đề lắm. Nhưng, có những lựa chọn tồi tệ bởi chúng tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến người khác…lúc này thì không ổn rồi.
Trong cuốn sách nhỏ này, William Glod đã dùng lý lẽ để chứng minh cho luận điểm rằng việc để cho những người trưởng thành đưa ra những quyết định dù là tồi tệ không xấu. Kể cả khi những lựa chọn đó có nguy cơ gây ra nhiều tác hại thì cũng không có vấn đề gì. Ông cũng lập luận rằng một số lựa chọn “tồi tệ” thậm chí không tệ như chúng ta nghĩ. Đôi khi, một số quyết định sai lầm lại giúp chúng ta đối mặt với những bài học và trưởng thành hơn trong cuộc sống chỉ cần sai lầm của bạn không gây hại đến bất cứ ai.
Text: Thị Dân – Cosmolife.vn | Source: General