Tro Tàn Rực Rỡ: Phương Anh Đào, Quang Tuấn và dàn diễn viên bảo chứng chất lượng đáng mong chờ
8575 Views
23-11-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Không chỉ kế thừa được nội dung xuất sắc từ tác phẩm của nhà văn từng giành giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng LiBeraturpreis do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn; Tro Tàn Rực Rỡ còn sở hữu dàn diễn viên thực lực với “profile” phim ảnh đáng tự hào. 

Tháng 12/2022, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người đã làm nên hàng loạt thành công với các tác phẩm ấn tượng cho điện ảnh Việt như Sống Trong Sợ Hãi (2005), Lời Nguyền Huyết Ngải (2012), sẽ tái xuất màn bạc với bộ phim mang tên Tro Tàn Rực Rỡ, được chuyển thể từ hai truyện ngắn Củi Mục Trôi VềTro Tàn Rực Rỡ của Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim đã vượt qua gần 1,700 tác phẩm trên toàn thế giới để vinh dự trở thành một trong 15 phim tranh giải tại hạng mục Main Section của Liên hoan phim Tokyo. 

Phương Anh Đào - “Nàng thơ mùa hè” - “Nàng thơ Đen Vâu” 

Phương Anh Đào là một trong những diễn viên trẻ và tài năng của điện ảnh Việt, sở hữu đẹp thuần khiết cùng lối diễn xuất vô cùng tự nhiên. Nữ diễn viên sinh năm 1992 từng học một năm ngành Quản trị kinh doanh, nhưng với đam mê ca hát, văn nghệ, diễn kịch, Phương Anh Đào quyết định nghỉ học và thi lại vào trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh để theo đuổi niềm đam mê ấy. 

Thành công với vai phản diện trong bộ phim sitcom “Chiến Dịch Chống Ế 2”, nhưng nữ diễn viên chỉ thực sự được khán giả và giới chuyên môn công nhận khi góp mặt trong các phim điện ảnh đình đám như “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” - bộ phim đem về chiến thắng Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2018 cho Phương Anh Đào, hay “Chàng Vợ Của Em” - tác phẩm đoạt giải Cánh Diều Vàng 2019 trong hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất.  

“Ông hoàng kinh dị” Quang Tuấn

Quang Tuấn được biết đến là một diễn viên thực lực trên cả mặt trận truyền hình lẫn điện ảnh, từng giành hai giải thưởng Cánh Diều Vàng, và luôn thể hiện được diễn xuất đa dạng trong nhiều thể loại khác nhau. Anh được đông đảo khán giả “biết mặt gọi tên” và đánh giá cao về diễn xuất khi góp mặt trong các phim truyền hình “giờ vàng” thể loại tình cảm, gia đình như Khúc Hát Mặt Trời, Tiệm Ăn Dì Ghẻ hay Gia Đình Là Số 1

Trên màn ảnh rộng, Quang Tuấn ghi dấu ấn với hàng loạt các bộ phim điện ảnh ăn khách như: Thất Sơn Tâm Linh (Thiên Linh Cái) với nội dung gây tò mò về bùa ngải, sát nhân hàng loạt, thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo khán giả; bộ phim kinh dị, giật gân, tâm lý tội phạm Bằng Chứng Vô Hình; phim kinh dị Bóng Đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt; bộ phim tình cảm lãng mạn 1990, và gần đây nhất là phim hài Nghề Siêu Dễ.

Với Tro Tàn Rực Rỡ, Quang Tuấn được lựa chọn đảm nhận vai Tam, chồng của Nhàn (Phương Anh Đào). Trong vai diễn mới này, anh sẽ mang đến cho khán giả một nhân vật phức tạp, gai góc với nhiều cung bậc cảm xúc. Để vào vai, anh đã xuống set quay trước khi bấm máy cả tháng trời, vào các lò than để học nghề làm than nhằm thể hiện một cách chân thật nhất nhân vật của mình. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, khi ông gặp lại Quang Tuấn cùng các diễn viên ở set quay đã thấy họ “đen đi rất nhiều”, và nhân vật trong các trang kịch bản của ông đang hiện hữu ngày càng rõ ràng ngoài đời thật.

Juliet Bảo Ngọc Doling - lần đầu chạm ngõ màn bạc

Tro Tàn Rực Rỡ là vai chính đầu tay của diễn viên lai mang hai dòng máu Việt - Anh Juliet Bảo Ngọc Doling. Cô đảm nhận vai Hậu trong phim. Sống ở phương Tây nhiều năm, Bảo Ngọc phải dành nhiều thời gian tập luyện các kỹ năng cần thiết, hòa nhập vào đời sống người dân miền Tây sông nước, để hóa thân thành người vợ, người mẹ trong phim.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mất tới năm năm để chuẩn bị cho “Tro Tàn Rực Rỡ”. Lần đầu tiên vị đạo diễn gặp gỡ Bảo Ngọc là vào năm cô mới 13 tuổi, trong một tác phẩm phim ngắn mà cô bé tham gia diễn xuất. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mong muốn tìm một cô gái trẻ với cái chất thật “gấu”, thật “lì lợm” cho vai nữ chính Hậu, và Bảo Ngọc chính là cái tên mang những sắc thái mà ông vẫn kiếm tìm. 

Lê Công Hoàng

Nam diễn viên sinh năm 1991 - Lê Công Hoàng từng được nhiều khán giả đặt cho biệt danh “chàng thơ” của điện ảnh độc lập Việt Nam. Anh từng được biết đến qua vai diễn Vũ trong bộ phim điện ảnh Cha Và Con Và… từng lọt vào vòng tranh giải Gấu Vàng của Liên hoan phim Berlin 2015. Hoàng “nuôi tham vọng trở thành một diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp và quyết liệt với điều đó” - chia sẻ của Phan Đăng Di, đạo diễn Cha Và Con Và… khi nói về chàng diễn viên trẻ. Năm 2019, nam diễn viên tiếp tục góp mặt trong bộ phim điện ảnh Việt được đánh giá cao Thưa Mẹ Con Đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. 

Tro Tàn Rực Rỡ | Trailer

NSƯT Hạnh Thúy đảm nhận nhân vật cô Loan “khùng”, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Củi Mục Trôi Về, mang câu chuyện bi kịch và nỗi niềm của hai người đàn ông bên cạnh cô. Trên phim trường, nữ diễn viên luôn sẵn sàng “trầy da tróc vảy”, không ngại “xấu”, ngại khổ để hóa thân vào nhân vật khó nhằn này. Xuất hiện trong phim với hình ảnh người đàn bà ngơ ngẩn với áo quần lấm lem, nhếch nhác, song diễn viên Hạnh Thúy vẫn tỏa sáng nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của mình. Cô mang lên màn ảnh một “Loan” khùng sống động nhất, hứa hẹn gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả.

Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giành giải thưởng danh giá nhất tại Festival des 3 Continents

Tại Festival des 3 Continents (Liên hoan phim Ba châu lục) 2022 - một trong những trụ cột quan trọng của điện ảnh thế giới, Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã vinh dự nhận giải thưởng danh giá nhất Montgolfière d’or (Golden Balloon) trước nhiều tựa phim đến từ Nhật Bản, Trung Quốc hay Brazil. Thông tin vừa được BTC công bố trong lễ trao giải của sự kiện vào rạng sáng ngày 28.11.2022 (giờ Việt Nam), tổ chức tại Stereolux, thành phố Nantes, Pháp. Đây là thành tích xuất sắc tiếp theo của bộ phim trên trường quốc tế, tiếp nối sự kiện World Premiere rất thành công tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo hồi cuối tháng 10 vừa qua. 

Nhà sản xuất của Tro Tàn Rực Rỡ - bà Trần Thị Bích Ngọc vui mừng chia sẻ: “Thông tin này thật sự quá bất ngờ, vì tôi và ê-kíp hiện đang tập trung chăm chút cho buổi lễ ra mắt phim tại Việt Nam (vào ngày 29 30/11/2022) sắp tới. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đã phải cắt ngắn chuyến đi Nantes để cùng ê-kíp chuẩn bị cho ngày đặc biệt này. Khi đọc những dòng thư của BTC chia sẻ về sự tin tưởng mà họ trao cho bộ phim, tôi mới vỡ òa trong cảm xúc. (Liên hoan phim tại) Nantes là nơi phát hiện nhiều đạo diễn quan trọng của điện ảnh châu Á những năm qua. Tôi rất vui khi có thêm nhiều câu chuyện của Việt Nam bước ra thế giới. Mong những ngày tới, phim sẽ được khán giả Việt đón nhận và yêu mến.”

Tro Tàn Rực Rỡ là tác phẩm đánh dấu sự trở lại với màn ảnh rộng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau một thập kỷ kể từ Lời Nguyền Huyết Ngải. Phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về. Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên sáng giá, bao gồm Juliet Bảo Ngọc Doling, Lê Công Hoàng, Phương Anh Đào, Quang Tuấn và NSƯT Hạnh Thúy. 

Lấy bối cảnh một làng chài miền Tây nghèo khó, Tro Tàn Rực Rỡ kể về câu chuyện tình yêu đặc biệt của ba người phụ nữ. Mỗi người có những câu chuyện riêng, ẩn ức riêng, nhưng đều ấp ủ trong mình ngọn lửa khao khát yêu và được yêu rực cháy. Tình yêu của họ kiên cường, mạnh mẽ, sẵn sàng bao dung những nỗi đau đang dày vò người đàn ông bên cạnh mình. Nói về niềm cảm hứng khi thực hiện bộ phim và kể về những tình yêu đầy cảm xúc này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có những tình yêu rất đặc biệt. Tôi cảm nhận được sự tích cực của những tình yêu ấy. Đó là bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì có thể làm họ dừng lại”. 

Để thực hiện Tro Tàn Rực Rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành hai năm viết kịch bản, cùng năm năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Lời thoại phim được đích thân nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chấp bút. Vị đạo diễn người Hà Nội cũng đã dành nhiều thời gian cùng sinh hoạt với người dân miền Tây để thổi hồn cho tác phẩm một cách gần gũi, sinh động nhất. Cùng với ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, phim là cái nhìn rất “tình” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vào cái “tình” của người phụ nữ, tôn vinh những xúc cảm thiêng liêng của phái nữ. 

Chỉ còn vài ngày nữa, phim điện ảnh Tro Tàn Rực Rỡ sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt sau thời gian chinh chiến tại các Liên hoan phim quốc tế. Với hàng loạt thành tích ấn tượng khi trở thành phim Việt đầu tiên tranh giải tại hạng mục chính thức của Liên hoan phim Quốc tế Tokyo hay gần đây nhất là giải Khinh khí cầu Vàng cho phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục, Tro Tàn Rực Rỡ được coi là điểm sáng lớn nhất của màn ảnh Việt trong năm nay. 

Ngay từ những ngày đầu được giới thiệu với truyền thông, dự án Tro Tàn Rực Rỡ đã khiến khán giả lẫn giới chuyên môn tò mò khi được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cũng như được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - người đứng sau thành công của "Lời Nguyền Huyết Ngải" (2012), "Sống Trong Sợ Hãi" (2005). Tro Tàn Rực Rỡ sẽ là cái nhìn rất "tình" của đạo diễn về cái "tình" của người phụ nữ, mà theo lời ông: "Khi người phụ nữ còn yêu, họ sẽ không dừng lại."

Câu chuyện phim diễn ra ở xóm Thơm Rơm - một làng chài nghèo vùng sông nước Cà Mau với nhiều chất liệu điện ảnh và văn hóa, Tro Tàn Rực Rỡ kể về những câu chuyện tình khắc khoải của ba người phụ nữ dành cho người đàn ông họ chọn gắn bó cả cuộc đời. Mỗi câu chuyện tình ấy mang những dáng vẻ khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều mạnh mẽ và tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn rất đỗi nhạy cảm của phái nữ. 

Tối ngày 29/11, sự kiện họp báo ra mắt Tro Tàn Rực Rỡ đã chính thức diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của những gương mặt quen thuộc, có tầm ảnh hướng lớn trong giới nghệ thuật như: cặp vợ chồng NS Cẩm Vân-Khắc Triệu, ca sỹ Đoan Trang,  Nam Thư, Tiến Luật… Đây cũng là sự kiện điện ảnh đánh dấu sự trở lại sau 10 năm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và là tác phẩm thứ hai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được đưa lên màn ảnh rộng, sau Cánh Đồng Bất Tận (2010). Toàn bộ ekip và dàn diễn viên chính như Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Lê Công Hoàng, NSƯT Hạnh Thúy, Mai Thế Hiệp… đều có mặt đông đủ để cùng chúc mừng Tro Tàn Rực Rỡ ra mắt màn ảnh rộng. Ngày mai, 30/11, phim cũng sẽ có buổi ra mắt tại Thủ đô Hà Nội. 

Sau Cánh Đồng Bất Tận, Tro Tàn Rực Rỡ là phim điện ảnh thứ hai được chuyển thể từ văn học Nguyễn Ngọc Tư bước lên màn ảnh rộng. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, sau khi biết đến tập truyện Đảo của nữ văn sĩ, ông vô cùng ấn tượng về câu chuyện tình yêu, về cái “tứ” rất đẹp được xây dựng trong truyện ngắn Tro Tàn Rực Rỡ. Đó là câu chuyện rất đặc biệt về mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn bà níu giữ sự quan tâm của người đàn ông bằng những câu chuyện vặt vãnh về cuộc sống hàng ngày, và về người phụ nữ mà anh ta yêu. 

Ngay sau khi liên lạc với tác giả Nguyễn Ngọc Tư về vấn đề tác quyền, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bắt tay vào viết kịch bản. Thế nhưng, ông cảm giác câu chuyện của mình vẫn còn cần điều gì đó để trở nên vững chắc hơn. Và ông tìm lại về tập truyện Đảo, để rồi bắt gặp câu chuyện của cô Loan “khùng” trong Củi Mục Trôi Về. Đó cũng là một câu chuyện tình yêu, nhưng đau đớn đến tuyệt vọng khi người đàn bà đem lòng yêu kẻ đã phá nát tất cả tương lai, cuộc đời của cô. 

Bản thân tác giả Nguyễn Ngọc Tư cũng chia sẻ, khi trực tiếp đến thăm trường quay Tro Tàn Rực Rỡ, gặp gỡ các diễn viên của đoàn phim, cô “tự dưng xúc động”, nhận ra đây là “cái xương thịt mà mình có muốn cũng không diễn tả ra được sự sống động này”. Dưới bàn tay đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về  hiện lên gần gũi, tinh tế và khiến khán giả thêm tin vào sức mạnh của môn nghệ thuật thứ bảy.   

Tro Tàn Rực Rỡ là tác phẩm lấy phụ nữ và cảm xúc của họ làm trung tâm. Giữa cái xóm Thơm Rơm buồn hiu, quạnh quẽ, có ba người phụ nữ yêu hết mình. Tình yêu của họ rực rỡ, nóng bỏng như lửa cháy. Dẫu đến khi chỉ còn là “tro tàn”, thì vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất, là tàn dư của những điều thiêng liêng không gì có thể thay thế. Khát khao yêu và được yêu của họ lớn hơn tất thảy, hơn cả cái nghèo, hơn cả khoảng cách xa thật xa giữa trái tim ba cô gái và người đàn ông mà họ yêu. 

Tro Tàn Rực Rỡ không phải một tác phẩm đặt ra những hình tượng nhân vật kiểu mẫu. Phim mang đến cái nhìn đa chiều về tình yêu, cảm xúc xuất phát từ bản năng - một món quà trời ban, và cũng là “hình phạt” tự nhiên mà ta sẵn sàng hứng chịu qua biết bao kiếp người. 

Sau một năm 2022 không quá thành công của phim Việt, Tro Tàn Rực Rỡ xuất hiện như một nguồn sáng, thắp lên hy vọng tưởng chừng đã nguội lạnh trong lòng người yêu điện ảnh nước nhà. Phim không mang một tầm vóc quá hoành tráng, hay những thông điệp đao to búa lớn đến sáo rỗng và kệch cỡm, nhưng chinh phục khán giả bởi những xúc cảm nguyên sơ, tinh tế được truyền tải thông qua các khung hình được chăm chút chỉn chu dưới bàn tay người đạo diễn cầu toàn. 

Bên cạnh đó, phim cũng giúp phát hiện những gương mặt đầy triển vọng cho điện ảnh Việt Nam. Nữ diễn viên chính Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai Hậu có lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh thông qua Tro Tàn Rực RỡCô mang đến hình tượng cô gái miền Tây có chút “ngang bướng”, mạnh mẽ và cũng rất đỗi tươi mới trên màn ảnh rộng. “Chàng thơ phim Indie” Lê Công Hoàng tiếp tục có một màn trình diễn xuất sắc với nhân vật anh dành nhiều năm để nghiên cứu, thấu hiểu. Nếu như nguyên tác Tro Tàn Rực Rỡ không để quá nhiều đất thể hiện cho Dương, thì anh ta như bước ra ánh sáng thông qua sự thể hiện của Lê Công Hoàng trên màn ảnh, khiến khán giả vừa thương, vừa hận. Những cái tên dày dạn kinh nghiệm như Phương Anh Đào, Quang Tuấn hay NSƯT Hạnh Thúy vẫn duy trì phong độ ấn tượng trong diễn xuất, giúp câu chuyện Tro Tàn Rực Rỡ thêm trọn vẹn. 

Từ khi còn là những dự án nằm trên giấy, Tro Tàn Rực Rỡ đã có “kinh nghiệm” góp mặt trong các liên hoan phim quan trọng của điện ảnh thế giới như hoạt động thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Cannes, Liên hoan phim Quốc tế Busan, Liên hoan phim quốc tế Lorcano. Cho đến khi đã “thành hình” để đến với khán giả, phim được lựa chọn tranh giải chính thức tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo, sau đó là Liên hoan phim Ba châu lục và thắng giải thưởng danh giá nhất  - điều chưa có phim Việt nào làm được. Tro Tàn Rực Rỡ xứng đáng là tựa phim mà khán giả Việt có thể tin tưởng và lựa chọn, thắp lên những hy vọng về các tác phẩm chỉn chu, có tâm, có tầm đến từ nền điện ảnh nước nhà trong tương lai. 

Với những phản hồi tích cực tại buổi ra mắt giới truyền thông, có thể kỳ vọng rằng Tro Tàn Rực Rỡ sẽ “làm nên chuyện” khi chính thức ra rạp từ 2/12 tới đây.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện đồng hành cùng Tro Tàn Rực Rỡ

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, cái tên Nguyễn Ngọc Tư như một trong những đại diện tiêu biểu nhất của các cây viết nữ, đặc biệt là những cây viết có sự gắn bó sâu sắc với mảnh đất miền Tây. Văn học của Nguyễn Ngọc Tư càng đến gần hơn với công chúng khi tác phẩm Cánh Đồng Bất Tận của cô được chuyển thể thành phim và trở thành một tựa phim quan trọng của điện ảnh nước nhà. 

Hơn một thập kỷ sau Cánh Đồng Bất Tận, văn học Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục bước lên màn ảnh rộng. Hai truyện ngắn Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về của cô đã được chuyển thể thành phim điện ảnh Tro Tàn Rực Rỡ, được nhào nặn bởi bàn tay đạo diễn gạo cội Bùi Thạc Chuyên. 

Một trong những điểm đặc biệt trong Tro Tàn Rực Rỡ là việc phim có được sự đồng hành của chính “mẹ đẻ” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong khâu kịch bản. Hiếm có một phim điện ảnh Việt nào lại có được sự ưu ái lớn đến vậy từ chính tác giả của tác phẩm gốc, đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư. Song, nữ văn sĩ chia sẻ, cô “không có kỳ vọng gì” và dường như có vẻ “lãnh đạm”.  

Tro Tàn Rực Rỡ là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm việc cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Một người miền Nam, một người miền Bắc; một người viết văn, một người làm phim. Nữ văn sĩ chia sẻ vài điều cô biết về vị đạo diễn người Hà Nội trước khi có cơ duyên cùng mang Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về lên màn ảnh:

“Nghe nói anh này hồi trẻ dại có đóng phim (cười). Nghe đâu sau đó ảnh chuyển qua làm đạo diễn. Hình như toàn làm mấy phim nghệ thuật (mà tụi nhỏ hay gọi là phim buồn ngủ). Ba của ảnh cũng là nhà văn. Đó, tất cả những gì tôi biết về Chuyên.”

Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện tại. Cô đặc biệt được yêu mến với những áng văn rất “tình” về đất mũi Cà Mau, về cuộc sống người nông dân miền Tây. Được đắm mình trong đời sống thôn quê sông nước, Nguyễn Ngọc Tư mang trọn vẹn sự nhạy cảm của tâm hồn, cái tài tình khi dùng câu chữ vào kể chuyện miền Tây sông nước long đong, lận đận này. Cái tình người miền Tây cứ đầy ăm ắp trong từng trang sách của cô, để độc giả dẫu có từng sống ở mảnh đất này hay không, cũng không thể ngăn lòng mình yêu mến con người nơi đây, hay mảnh đất vừa yên bình, vừa chuyển động dữ dội này.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, ông đã mất hai năm cho việc viết kịch bản, và năm năm để chuẩn bị quay phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, trong quãng thời gian chuẩn bị cho Tro Tàn Rực Rỡ, ông đã nhiều lần về miền Tây, sinh hoạt cùng người dân nơi đây. Khoảng một tháng trước khi khởi quay bộ phim, dàn diễn viên cũng sắp xếp công việc để xuống set quay, “sống” cuộc đời của các nhân vật trong phim. Bởi vậy, miền Tây qua lăng kính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong Tro Tàn Rực Rỡ vô cùng gần gũi, sống động. 

Không quá lời khi nói Tro Tàn Rực Rỡ là một trong những tác phẩm được kỳ vọng nhất năm nay của màn ảnh Việt. Ngay từ khi chỉ còn là những “dự án” trên giấy, phim đã ghi dấu ấn tại Quốc tế khi giành giải thưởng Busan Award tại Asian Project Market trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan năm 2017, cũng như thuộc nhóm 15 dự án được chọn tham gia Cinéfondation L’atelier, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2018. Vào tháng 10 vừa qua, phim trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải hạng mục Official Competition tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo và có buổi World Premiere tại đây. Mới đây, Tro Tàn Rực Rỡ cũng vinh dự nhận giải Khinh khí cầu Vàng cho Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục. 

Cuối cùng, chia sẻ về ấn tượng khi tác phẩm lên màn ảnh, Nguyễn Ngọc Tư dành nhiều lời khen: “Lúc viết tôi chỉ quan tâm câu chuyện mình sẽ kể và nội tâm của nhân vật trong câu chuyện ấy. Với ngôn ngữ điện ảnh, mọi thứ đều được hiện thực hoá bằng hình ảnh hết, gì cũng hiện ra dưới mắt, tôi nhìn vừa lạ vừa quen. Hồi đoàn phim làm việc ở Cà Mau, tôi có tới trường quay chơi, thấy một bạn diễn viên mặc bồ độ dính đầy mủ chuối đang ngồi chờ tới cảnh quay của bạn, tôi tự dưng xúc động, nghĩ đây chính là xương thịt mà mình có muốn tả cũng không ra được cái sống động này.” Tro Tàn Rực Rỡ đã vượt qua những giới hạn của một tác phẩm chuyển thể để thổi sức sống mãnh liệt vào câu chuyện, là minh chứng cho vẻ đẹp sống động của điện ảnh.

Những ngày cuối năm 2022, Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên như “giải” cơn khát phim Việt chất lượng tại phòng vé của khán giả. Chuyển thể từ hai truyện ngắn Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, phim gây ấn tượng bởi chủ đề quen thuộc về tình yêu của người phụ nữ, song được khắc họa một cách tinh tế, khéo léo dưới các góc máy của vị đạo diễn người Hà Nội. 

Tro Tàn Rực Rỡ bắt đầu với phân cảnh đám cưới của Nhàn (Phương Anh Đào thủ vai) và Tam (Quang Tuấn thủ vai). Trong ngày trọng đại, vẻ mặt người phụ nữ trẻ không giấu được sự hạnh phúc. Đám cưới tràn ngập những lời chúc, những câu đùa cợt tếu táo ấy khép lại, mở ra cuộc hôn nhân đau khổ cho hai người đàn bà trẻ của xóm Thơm Rơm. 

Câu chuyện tình yêu của Nhàn và Tam chỉ được kể qua vài chi tiết vụn vặt, khi Nhàn đến lò than đón chồng, hay khi cả hai cùng rửa bát sau bữa cơm tối. Không có nhiều lời thoại hay cử chỉ yêu thương giữa Nhàn và Tam trong suốt bộ phim. Người ta chỉ thấy cô Nhàn trông có vẻ dịu dàng, đằm thắm, ấy thế mà khi ở cạnh chồng cũng tinh nghịch, thích đùa cợt trẻ con. Anh Tam cục mịch không hay nói nhiều, nhưng tủm tỉm cười mỗi khi Nhàn “làm trò”. Phim không kể một cách “sỗ sàng”, chỉ vừa đủ để khán giả tin rằng Nhàn và Tam thực sự đến với nhau bằng tình yêu nguyên sơ, chân thành nhất. 

Vậy nhưng, tình yêu của Nhàn và Tam không đủ lớn để vượt qua sóng gió, nhất là khi kết tinh tình yêu của hai người mất đi. Sau biến cố, cả Nhàn và Tam đều có sự thay đổi lớn, dẫu bên ngoài họ vẫn cố tỏ ra bình thường. “Phải chi khóc được thì tôi đâu có đốt nhà”. Tam dường như vẫn lầm lì, cục mịch như thế. Nhưng Nhàn phát hiện ra những vết bỏng trên người chồng, nhận ra những lần anh dùng bật lửa tự đốt chính thân thể mình. Và rồi, khi cơn đau thể xác không thể xoa dịu nỗi đau tinh thần, Tam cần một ngọn lửa lớn hơn, rực rỡ hơn để quên đi tất cả. 

Còn Nhàn, cô vẫn vậy, vẫn nấu những bữa cơm ngon, vẫn đạp xe đến đón chồng mỗi ngày. Khi Tam bắt đầu “phát tiết” bằng cách đốt nhà, cứ mỗi lần như thế, Nhàn lại lặng lẽ thu dọn đồ đạc, và cả tàn tro của đợt lửa lớn. Người trong làng hỏi cô sao không bỏ quách người chồng tệ bạc đi, cô chỉ cười, “Con bỏ đi rồi lấy ai dựng nhà cho ảnh đốt, rủi ảnh qua đốt nhà hàng xóm, kỳ lắm”.

Người ta tự hỏi, cô gái xinh đẹp, tháo vát như Nhàn, cớ gì phải giam mình trong cuộc hôn nhân vốn đã không còn hy vọng này. Người ta hỏi Nhàn sao không bỏ đi, có chăng vì thấy cô vẫn “bình thường”, vẫn mạnh mẽ sau đau khổ, chứ không suy sụp đến đánh mất thần trí như Tam. Nhưng có ai biết chăng, ẩn sâu trong tâm trí người phụ nữ là nỗi đau được nén chặt, là cảm giác dằn vặt rằng mình là nguyên nhân của mọi tội lỗi. Và hơn tất cả, có lẽ chính là tình yêu, tình nghĩa cô dành cho người đàn ông của mình. Cô khao khát được chồng mình nhìn thấy, dù là giữa ánh lửa bạo tàn kia. 

Cho đến cuối cùng, Nhàn vẫn không thể từ bỏ Tam, hay từ bỏ tình yêu của mình. Khi Nhàn nhận ra cả cô và Tam đều đã quá mỏi mệt, cô đã lựa chọn kết thúc trong chính ngọn lửa cháy sáng rực rỡ nhất, ngọn lửa mà người đàn ông của cô yêu hơn vợ mình. Không ai dám chắc lần đốt lửa cuối cùng là do Tam, hay do chính Nhàn. Không ai dám nói đó là sự bế tắc, hay giải thoát cho chính cuộc đời Nhàn. Chỉ biết rằng, người phụ nữ ấy đã mang tình yêu của mình hóa thành vĩnh cửu. Cho dù bị đốt rụi thành tro tàn, đó vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất, là tàn tích của một tình yêu thiêng liêng không thể thay thế. 

Kể về câu chuyện của Nhàn là Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai), một cô gái khác sống cùng xóm Thơm Rơm. Trong đám cưới của Nhàn và Tam, Hậu cũng tới dự. Cô tíu tít nói cười bên cạnh Dương (Lê Công Hoàng thủ vai), chàng trai trẻ tuổi với thái độ kỳ lạ. Sau đám cưới, Hậu đi xuồng về cùng Dương và vượt quá giới hạn. Giữa cơn hoan ái, ánh mắt Dương vừa lạnh lùng, vừa phẫn uất, và rồi cuối cùng gã gục xuống trên thân thể Hậu khi miệng vẫn lẩm bẩm tên Nhàn. 

Không lâu sau đó, Hậu và Dương bước vào cuộc hôn nhân ép buộc khi Hậu phát hiện mình có thai. Cô gái trẻ đang ở cái tuổi đẹp nhất phải học cách trở thành người vợ, người mẹ đảm đang. Chẳng có gì mà cô gái nhỏ nhắn không biết làm: cô học nghề làm chuối của nhà chồng, cô học lái xuồng máy, thậm chí là cả đốn gỗ, chẻ củi. Việc của người đàn bà hay người đàn ông trong nhà đều đến tay Hậu. Còn người chồng cô yêu thương theo thuyền đánh cá, bắt tôm nhiều ngày đêm, rồi lại ở biền biệt trong chiếc chòi cô đơn, quạnh quẽ giữa bốn bề sông nước. 

Sự mỏi mệt trong cuộc đời Hậu chẳng dừng ở đó. Khi không làm việc, cô làm bạn với người phụ nữ chồng mình yêu. Từ chỗ ghen tuông, giận dỗi với Nhàn theo những cách rất “nữ nhi thường tình”, Hậu dần gần gũi với Nhàn hơn. Cô đem những câu chuyện về Nhàn, dù lặt vặt như cách nấu món này món nọ, về kể với Dương. Có lẽ, chỉ những câu chuyện về Nhàn mới có thể khiến Dương chú ý đến Hậu thêm một chút. 

Không giống như Nhàn, từng yêu và được yêu để rồi gục ngã cay đắng, Hậu cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình ngay từ giây phút đầu tiên. Cái đêm cô ở bên Dương bắt đầu một chuỗi sai lầm đày đọa hai con người bất hạnh trong tình yêu. Thế nhưng, Hậu kiên trì với tình yêu này đến cố chấp. Cô làm bạn với người phụ nữ chồng mình yêu vì khao khát sự chú ý từ chồng. “Có lẽ em cũng giống như Nhàn, là một con đàn bà khao khát được chồng nhìn thấy…” 

Khi những đốm lửa cuối cùng chấm dứt bi kịch của Nhàn dần tàn, Hậu cũng bắt đầu lái xuồng ra biển. Trước đây, dù mẹ chồng không ít lần thúc giục cô “ra tận nơi mà lôi nó về, nó là chồng con”, thì Hậu vẫn kiên nhẫn thuyết phục Dương bằng những mẩu chuyện vụn vặt về Nhàn. Ngay cả khi Dương khoác ba lô bỏ chạy ở phân cảnh áp chót, Hậu vừa dấm dứt khóc, vừa ép chuối như công việc cô vẫn làm thường ngày. Nhưng rồi ở cảnh cuối cùng, khán giả được thấy Hậu lái xuồng ra biển, tiến gần đến chiếc chòi cô độc của Dương. Dẫu cho chiếc xuồng ấy không phải thứ dùng để lái ra biển, dẫu biết rằng có lẽ kết cục của một lần can đảm này chẳng mấy tươi sáng, thì Hậu thực sự đã quyết tâm vì hạnh phúc của mình, vì người đàn ông mà cô yêu. “Bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì làm họ dừng lại”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chia sẻ như thế tại Liên hoan phim Tokyo. 

Trong những khuôn hình của Tro Tàn Rực Rỡta còn bắt gặp câu chuyện của cô Loan “khùng”, người phụ nữ đã lỡ dở cả cuộc đời vì một tên đàn ông. Thuở thiếu thời, cô bé Loan bị “gã” cướp đi tất cả sự ngây thơ, cả thần trí của cô trong men say. Kẻ làm sai đã phải đền tội, nhưng người thiếu nữ cũng đã đánh mất tất cả. Giờ đây, người ta chỉ còn thấy cô Loan “khùng” quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, ôm chai rượu cười thơ thẩn.

Bị người ta đồn là “khùng”, vậy nhưng cô Loan vẫn rất nhạy cảm, tỏ thái độ ra mặt khi người ta nói về gã đàn ông đó. Cô không muốn bất cứ ai soi mói về bi kịch cuộc đời cô, hay kẻ đã gây ra bi kịch này. Nghe tin gã trở về, đang nương thân nơi cửa Phật, cô chẳng thể kìm lòng mà tìm đến. Ban đầu, cô hận gã rất nhiều. Nhưng rồi, một ngày kia, cô thốt ra với gã một ước mơ sâu kín nhất, điều cô vẫn luôn mong mỏi: “Hay là anh cưới tôi đi…” Sâu thẳm trong lòng người phụ nữ ấy, cô vẫn muốn được yêu, được thương. Và cô tin rằng, sẽ chỉ có gã là kẻ duy nhất chấp nhận con người cô.

Hiếm hoi lắm, khán giả mới thấy cô Loan cười, nụ cười của một người đàn bà hạnh phúc trong tình yêu, chứ chẳng phải nụ cười thơ thẩn của một kẻ đã mất đi thần trí, ấy là khi ở bên gã, cùng gã vớt khúc gỗ mục trên sông. Ấy thế mà, giữa lúc cô hạnh phúc nhất, gã lại đột ngột biến mất. Gã trôi đến và trôi đi, lặng lẽ và lênh đênh tựa tấm củi mục gãy nát. 

Gã đi rồi, cô Loan lại trở về là cô của những ngày xưa. Hết hờn trách rồi, cô lại thơ thẩn, như thế một phần tâm hồn mình lại bị cướp mất. Nhưng cô Loan vẫn ngồi đó, chờ đợi một ngày nắng, khi cởi bỏ tất cả mặc cảm, gã sẽ quay trở lại. Niềm khát khao yêu và được yêu của người đàn bà “khùng” ấy có khi bùng lên dữ dội như lửa cháy, có khi lại âm ỉ trong lòng, nhưng tuyệt đối không bao giờ lụi tàn. 

Ba người đàn bà lựa chọn ba cái kết khác nhau cho câu chuyện tình của chính họ. Có thể với vài người, đó là sự bế tắc, cố chấp; nhưng dưới những góc nhìn khác, đó lại là những cách “giải thoát”, để lòng họ được nhẹ nhàng hơn, để họ được tự do yêu hết mình. Tình yêu có thể là sự trừng phạt, nhưng cũng là món quà quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho tâm hồn con người. 

Text: Thị Dân – Cosmolife.vn | Source: General
RELATED NEWS

Blue Period: Đam mê là vũ khí tối thượng, manga đình đám về hội họa chuyển thể thành phim điện ảnhlive action

13322 Views
18-11-2024
Dựa trên câu chuyện tuyệt vời từ bộ manga đạt giải Taisho danh giá cộng thêm dàn diễn viên thực lực xứ Phù Tang, ‘Blue Period’ bản live action sẽ chính thức cập bến phòng vé Việt Nam cuối tháng 11 này, hứa hẹn không làm khán giả yêu điện ảnh lẫn fans anime thất vọng. Mặc dù là một nam sinh xuất sắc, Yatora chưa bao giờ cảm thấy thật sự đang sống khi cứ phải cố gắng làm hài lòng mọi người. Sau lần nhìn thấy một bức tranh thiên thần tuyệt đẹp cùng cảnh bình minh màu xanh huyền ảo tại Shibuya, cậu chợt nhận ra niềm đam mê mạnh mẽ dành cho hội họa.

Cô dâu hào môn nhận được sự nhiều sự quan tâm khi phim tặng 30 viên kim cương cho khán giả

13579 Views
14-11-2024
Theo đó, khách hàng may mắn nhất sẽ được nhận ngay một viên kim cương siêu giá trị đến từ BHD Star Cineplex. Các viên kim cương đến từ thương hiệu kim cương Lynh Luxury Diamond, mỗi viên có giá trị 9.000.000 VNĐ. Đây là chương trình quà tặng đặc biệt gửi đến khán giả khi xem phim Cô dâu hào môn tại rạp BHD. Chương trình áp dụng ở các cụm rạp BHD Star tại Hà Nội, Huế, TP. HCM.

Ghost Cat Anzu - Mèo Ma Bê Tha: Khi hoàng thượng mèo phải tìm cách chữa lành cho con sen

13445 Views
14-11-2024
Phim xoay quanh tình bạn của cô bé Karin mồ côi mẹ và bị cha bỏ rơi với Anzu, một con mèo ma sống hơi lôi thôi nhưng rất cố gắng chữa lành vết thương tinh thần của cô bé. Gây tò mò bởi câu chuyện thú vị cùng phần hoạt ảnh ấn tượng, “Mèo Ma Bê Tha,” dự án hoạt hình hợp tác giữa hai quốc gia Nhật – Pháp, hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho cộng đồng yêu điện ảnh tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Lật mặt 8 chưa bấm máy đã bùng nổ với hơn 5,000 lượt thí sinh tham gia casting, ekip làm việc đến 1 giờ rưỡi sáng

15550 Views
14-10-2024
Thu hút hơn 5,000 lượt casting online và offline "Lật Mặt 8" trở thành phần phim có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của franchise “Lật Mặt”.

This man - Hắn: Phim kinh dị Nhật Bản gây sốc với cốt truyện có thật

20795 Views
26-09-2024
Thuộc thể loại kinh dị siêu nhiên, phim “Hắn” (tựa gốc This Man) được lấy cảm hứng từ truyền thuyết đô thị có thật của Nhật Bản, xoay quanh một người đàn ông bí ẩn xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người và rồi họ chết ngay sau đó.