Áp lực phải tiêu tiền cuối năm!
24360 Views
24-11-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Khi lạm phát cộng với Tết đến gần, giá cả tăng lên khiến không ít bạn trẻ rơi vào vòng xoáy áp lực.

Chi 700.000 đồng mua một chiếc váy mới để dự đám cưới đồng nghiệp, nhưng khi tiệc tàn, chiếc váy gần như vẫn còn y như mới này hết giá trị với Hà Vy.

Cô chắc chắn mình không mặc lại nó, ít nhất trong vài tháng tới.

“Tôi còn vài buổi tiệc và đám cưới trong hai tháng tới nhưng không thể tiếp tục diện lại chiếc váy này. Tôi biết nhiều người khác cũng không thể mặc cùng một bộ trang phục đến hai sự kiện”, cô nói.

Nhiều món đồ trong tủ quần áo cũng chỉ được cô diện một lần. Số khác thường được Vy cho bạn bè, thanh lý ký gửi hoặc rao bán trên các hội nhóm. Dù tủ đồ đã chật cứng, từ đây đến cuối năm, Vy vẫn phải mua thêm ít nhất 3 bộ trang phục dự tiệc.

Ngoài ra, cô gái 28 tuổi còn dự tính làm tóc, làm móng, đi spa. Những khoản chi này cũng không hề nhỏ.

“Như mọi năm tôi phải tốn gần nửa tháng lương cho tiền mua sắm quần áo, nâng cấp ngoại hình bản thân. Không ai muốn mình trông cũ kỹ, nhàm chán trong những dịp lễ, sự kiện tiễn năm cũ, chào năm mới cùng đồng nghiệp, bạn bè, gia đình cả”, Vy giải thích.

Áp lực tiêu tốn mùa lễ hội không phải là câu chuyện của riêng Hà Vy. Giống với cô, nhiều bạn trẻ cũng lo lắng khi chi phí cho những tháng cuối năm tăng gấp đôi, gấp ba vì các sự kiện, lễ hội đặc biệt đều diễn ra trong khoảng thời gian này.

Nỗi lo tiền bạc

“Thanh toán thành công hai triệu đồng cho đơn hàng”, đây là khoản thứ ba Ngọc Minh (25 tuổi, Hà Nội) chi cho dịp Giáng sinh năm nay.

Trước đó, cô đã tốn gần năm triệu đồng cho mua sắm quần áo mùa đông và các sản phẩm chăm sóc da khô.

Với gia đình Minh, Noel là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm. Ngoài tiền ăn uống, dự tiệc cuối năm, cô cũng tốn kha khá cho khoản quà cáp tặng bố mẹ, đồng nghiệp trong cơ quan và bạn bè.

Khác với mùa lễ năm ngoái, nữ nhân viên văn phòng chọn những món quà có giá trị thấp hơn để dễ chia ra nhiều phần. Ngoài một số vật phẩm mua ở cửa hàng, cô cũng tự đan thêm những chiếc mũ len, tất Giáng sinh để vừa tiết kiệm vừa tăng tính kỷ niệm.

“Chi phí cho năm nay tốn gấp đôi năm ngoái. May mà lương tăng một chút nên tôi dư dả hơn để sắm sửa các thứ. Biết tốn kém nhưng đây đều là những khoản bắt buộc phải chi, tôi chỉ tìm cách làm sao để giảm bớt phần nào hay phần đó”, Minh chia sẻ.

Minh cho biết mua sắm là mục chiếm ngân sách nhiều nhất. Mỗi lần giao mùa, cô lại phải tậu thêm quần áo mới cho hợp với hoàn cảnh, đặc biệt là tiệc tùng cuối năm.

Tương tự, Võ Duyên (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cảm thấy áp lực khi nghĩ về những tiệc cưới, sự kiện của công ty vào ba tháng cuối.

“Trước mắt, tôi tính sơ sơ cũng còn ba đám cưới, ba tiệc sinh nhật, tiệc tất niên ở chỗ làm. Đó là chưa kể hội họp những nhóm bạn bè”.

Năm ngoái, Duyên chi gần bốn triệu đồng cho riêng khoản làm tóc. Cô cũng trích một phần khoản tiết kiệm để tự thưởng cho bản thân bằng quần áo và đồ dùng điện tử.

Vượt qua mùa lễ hội

Những tháng cuối năm có hai đợt khuyến mãi lớn nhất là 11/11 và 12/12. Ngoài ra, còn có các chương trình giảm giá ngày lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch. Đây cũng là dịp để các sàn thương mại điện tử lẫn nhà bán hàng tung ra nhiều ý tưởng, sản phẩm mới.

Vì vậy, sức mua thường sẽ tăng cao trong giai đoạn này. Các lễ hội mua sắm nửa cuối năm ngoái thúc đẩy doanh số bán hàng trên khắp Đông Nam Á. Hầu hết quốc gia đều chứng kiến doanh số bán hàng tăng đột biến vào ngày 11/11, 12/12 và Black Friday.

Tại Việt Nam, doanh số bán lẻ trực tuyến trong ngày 12/12/2021 đã tăng 143% so với thường ngày, theo số liệu theo dõi của nền tảng tiếp thị thương mại toàn cầu Criteo.

Mùa sale cuối năm nay được dự đoán vẫn có khả năng đạt doanh số vượt trội so với ngày bình thường, nhưng khó tạo ra sự bùng nổ như những năm trước.

Nguyên nhân là người tiêu dùng không còn mua sắm ồ ạt mà sẽ chi tiêu cẩn trọng hơn trong bối cảnh biến động kinh tế và xu hướng tiết kiệm.

Các chi phí dồn vào cuối năm cũng ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tiết kiệm của Xuân Linh (23 tuổi, TP.HCM). Dự định dành dụm để mua quà biếu bố mẹ vào dịp Tết, Linh đã bắt đầu tích cóp từ nửa năm.

Đến hiện tại, cô đã đi được 2/3 chặng đường và đang tăng tốc để kịp hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, dù đã lường trước, Linh vẫn trở tay không kịp trước nhiều khoản bất ngờ phát sinh.

Vì thế, Linh quyết định cắt giảm nhiều thói quen để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đã đặt ra. Ngoài ra, cô cũng cân đối ngân sách của những khoản khác để bù đắp cho phần thiếu hụt.

“Năm nay, tôi hạn chế mua quần áo theo xu hướng mà chỉ chọn những món cơ bản. Tôi cũng giảm tần suất ăn uống bên ngoài nên ước tính hai mục này chiếm khoảng 35% tiền lương/tháng. Nếu tháng trước còn dư sẽ cộng dồn vào tháng sau”, Linh bày tỏ.

Theo Linh quan sát, sau một năm “thắt lưng buộc bụng”, mọi người có xu hướng tiêu xài nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, giải trí.

Điều đó khó tránh việc lãng phí và nợ nần chồng chất. Khi lạm phát cộng với Tết đến gần, giá cả tăng lên khiến không ít bạn trẻ rơi vào vòng xoáy áp lực.

“Ngoài quà cáp, tôi sẽ hạn chế việc sắm quần áo, phụ kiện mới cho năm nay. May mắn tôi ở với gia đình nên tiền ăn uống đỡ hơn so với các bạn sống một mình”, Linh kể.

Về phía Ngọc Minh, là người không thích tiêu xài hoang phí, cô lên danh sách cặn kỹ cho các mục cần thiết. Đặc biệt, nhờ tận dụng các đợt rồi giảm giá lớn trong mùa lễ hội, cô giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí.

“Sinh nhật, cưới hỏi, liên hoan cuối năm, tiệc Noel… quá nhiều ngày vui dồn vào cùng một thời điểm cũng là nguyên nhân khiến khoản chi đội lên cao. Nếu không tính toán trước sẽ rất dễ vượt hạn mức, vung tay quá trán hoặc tệ hơn nữa là vướng vào nợ nần”, Minh nói thêm.

Còn với Võ Duyên, năm nay, cô dự định cắt giảm nhiều khoản, chỉ tập trung vào những thứ thiết yếu.

“Dù áp lực mua sắm phục vụ mùa lễ hội cuối năm, tôi dự tính chi dưới 5 triệu đồng để đầu tư cho vẻ ngoài như mua quần áo, làm tóc. Khoản chi này ít hơn mọi năm vì tôi muốn tiết kiệm, dành dụm nhiều hơn một chút. Khó khăn kinh tế hậu đại dịch cũng khiến tôi không còn dám tiêu xài mạnh tay, mua sắm ào ạt như trước”, Duyên nói.

Duyên cũng nhận thấy xu hướng tiết kiệm từ đồng nghiệp, bạn bè xung quanh mình.

“Cuối năm thường có nhiều đợt sale lớn. Thời điểm này mọi năm, mọi người thi nhau chốt đơn. Tôi nhớ có ngày đi làm cứ chạy lên chạy xuống công ty để nhận hàng ship. Nhưng năm nay, không khí ảm đạm hơn. Mọi người vẫn săn sale nhưng chỉ mua những thứ thực sự cần thiết mà thôi”.

Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Tri Thức Trực Tuyến
RELATED NEWS

Nông sản Việt Nam & Thế giới, những câu chuyện kinh doanh: 29 bài học thương trường của CEO Phúc Sinh Group Phan Minh Thông

13613 Views
09-01-2025
Cuốn sách “Nông sản Việt Nam & Thế giới, những câu chuyện kinh doanh” của tác giả Phan Minh Thông, là 29 câu chuyện được tác giả ghi chép trong suốt nhiều năm, từ những bài báo đăng dịp Tết, các trải nghiệm thực tế trong kinh doanh, đến tập hợp bài viết đậm chất nghệ thuật và sưu tầm tranh quý. Từng trang sách không chỉ là những lát cắt về thương trường, mà còn là hành trình khám phá vẻ đẹp của văn hóa và nghệ thuật, nơi nam doanh nhân dừng chân chiêm ngưỡng những bức họa đầy cảm xúc và chia sẻ góc nhìn tinh tế về giá trị sáng tạo, lưu trữ những nét đẹp văn hóa.

Chính thức khởi động Chương trình Chứng nhận Vietnam Excellence 2025 của Anphabe

13975 Views
18-12-2024
Anphabe – đơn vị tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc vừa khởi động Chương trình Chứng nhận Vietnam Excellence® 2025 nhằm tôn vinh và ghi nhận những Lãnh đạo & Tổ chức xuất sắc, đã ghi dấu ấn với những thành tựu vượt trội trong quá trình chuyển hóa kinh doanh thông qua phát triển con người và môi trường làm việc.

Nhìn lại những sự kiện nổi bật của thị trường tiền điện tử crypto Việt Nam 2024

14026 Views
17-12-2024
Năm 2024 là một năm bản lề khi đã tái định hình và mang đến luồng sinh khí mới cho thị trường crypto, với những chuyển biến mà chỉ vài năm trước vẫn còn là mơ tưởng. Bền bỉ cùng bao phen sóng gió thị trường, loạt "Báo cáo Thị trường Crypto Việt Nam” do Kyros Ventures thực hiện cũng đã đi đến năm thứ 5.

Vietnam Banking Innovation Summit 2024: Ngành ngân hàng dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số

13883 Views
14-12-2024
Hội nghị Vietnam Banking Innovation Summit 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam. Ngành Ngân hàng đang dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo, thể hiện qua Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hơn 5.000 vé miễn phí tặng sinh viên, thanh niên công nhân về quê đón Tết Nguyên đán 2025

14321 Views
29-11-2024
Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 do Trung ương Đoàn phối hợp Công ty Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức, sẽ dành tặng 580 vé máy bay, 4.455 vé xe ô tô cho sinh viên, thanh niên công nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.