(Cosmolife.vn) Giữa sự sa sút phong độ của Venezuela, các quốc gia châu Á đã nổi lên như thế lực mới trên đường đua chạm đến vương miện hoa hậu.
Vào thập niên 1970 và 1980, những người đẹp tóc vàng đến từ châu Âu thống trị đấu trường nhan sắc, theo Angelopedia. Từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, giới mộ điệu chứng kiến sự trỗi dậy của dàn ứng viên Mỹ Latinh. Tuy nhiên, khoảng một thập kỷ nay, các người đẹp châu Á đã trở thành thế lực mới.
Thế lực mới
Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ là những quốc gia chuộng hoa hậu nhất châu Á. Nếu so thành tích, Philippines đứng đầu với bốn vương miện Miss Universe, một vương miện Miss World, sáu vương miện Miss International, bốn vương miện Miss Earth và một vương miện Miss Supranational.
Theo CNA, Philippines đã quá nổi tiếng với các lò đào tạo hoa hậu. Catriona Gray hay Pia Wurtzbach đều được huấn luyện ở trung tâm trước khi đăng quang quốc tế. Sau chiến thắng của họ, các trung tâm càng trở nên uy tín, thu hút nhiều cô gái trong và ngoài nước (Campuchia, Lào...) sang học hỏi, tìm chìa khóa dẫn đến thành công.
Thị trường sắc đẹp nở rộ cũng là lúc Thái Lan bắt đầu chứng tỏ tham vọng giành vương miện. Bởi tương tự Việt Nam, con đường nhanh nhất để trở thành sao hạng A ở Thái Lan là đăng quang hoa hậu.
Đa số đại diện của Thái ở sáu cuộc thi đẳng cấp nhất đều tiến sâu, có thành tích tương đối tốt. Xứ Chùa vàng đã hai lần giành vương miện Miss Universe, một lần thắng Miss International, một lần đăng quang Miss Supranational và một lần được gọi tên cho danh hiệu cao quý nhất ở Miss Intercontinental.
Trên bảng xếp hạng các sân chơi nhan sắc, nước này đạt thứ hạng 67, thành tích khá cao so với những bạn bè cùng khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam có loạt thành tích Hoa hậu Hoàn cầu 2017 của Khánh Ngân, Hoa hậu Trái Đất 2018 của Phương Khánh, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 của Thùy Tiên và mới đây, Bảo Ngọc đăng quang Hoa hậu Liên lục địa 2022.
Tại Miss Universe, kể từ top 15 của Thùy Lâm (2008), mãi đến thập kỷ sau, Việt Nam mới lần nữa được gọi tên ở chung kết với top 5 của H'Hen Niê, top 20 của Hoàng Thùy (2019), top 21 của Khánh Vân (2020) và top 16 của Kim Duyên (2021).
Còn đối với Miss World, thí sinh Việt nhiều lần vào top, thắng giải phụ. Ở Miss International, Việt Nam có Á hậu đầu tiên (Phạm Hồng Thúy Vân, năm 2015).
Thống kê để thấy rằng từ quốc gia mờ nhạt, còn lép vế vì non kinh nghiệm, Việt Nam đã chứng minh được vị trí nhất định trên đường đua sắc đẹp thế giới.
Tóm lại, dựa trên cái nhìn và đánh giá khách quan, giới mộ điệu đang chứng kiến sự trỗi dậy của dàn ứng viên châu Á, cụ thể là Đông Nam Á. Hay nói cách khác, nhóm các quốc gia da vàng từng bước trở thành thế lực mới trong lĩnh vực sắc đẹp.
Nam Phi, Mỹ, Colombia duy trì phong độ
Là nơi sản sinh ra Miss Universe, nước Mỹ chưa bao giờ ngừng được quan tâm khi công bố thí sinh tham gia đấu trường này. Đẳng cấp của xứ cờ hoa thể hiện qua 8 lần đoạt vương miện và vào top trong 67/71 mùa giải.
Không chỉ vậy, đại diện Mỹ mang về hai vương miện Miss World, ba chiến thắng Miss International. Tại Miss Earth và Miss Grand International, Mỹ lần lượt giành một ngôi hoa hậu. Đó là chưa kể rất nhiều lần họ cán đích vị trí Á hậu 1, top 3, top 5... trong danh sách dài đấu trường nhan sắc.
Colombia thua Mỹ khi chỉ thắng hai lần ở Miss Universe và ba lần tại Miss International. Puerto Rico cũng tương tự. Song, hai quốc gia này duy trì phong độ ổn định khi luôn có thí sinh vào top. Chất lượng "chiến binh" họ gửi đi thi luôn đồng đều về kỹ năng và ngoại hình. Đặc biệt, các cô gái gây ấn tượng bởi khung xương đẹp, vòng hông nở nang ghi điểm ở phần áo tắm.
Trong bài viết trên Angelopedia, tác giả nhận định từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, dàn ứng viên Mỹ Latinh trỗi dậy mạnh mẽ. Nhưng càng về sau, một quốc gia không thuộc khu vực này là Nam Phi, cũng chứng tỏ bản thân là đối thủ đáng gờm.
Trên bản đồ sắc đẹp các năm qua, Nam Phi tỏa sáng với hai chiếc vương miện Miss Universe (2017 và 2019) và liên tục được gọi tên cho các vị trí Á hậu. Những cuộc thi khác cũng là cơ hội để Nam Phi chứng tỏ thực lực. Năm ngoái, Lalela Mswane - Á hậu 2 Miss Universe 2020 - không gây bất ngờ lắm khi đăng quang Miss Supranational.
Lý giải về chuỗi thắng lợi này, giới chuyên gia đánh giá cao sự tiệm cận quốc tế của dàn người đẹp Nam Phi. Ví dụ ở Miss Universe, từ thời cuộc thi do WME/IMG mua lại bản quyền, họ hướng đến vẻ đẹp pha trộn giữa trí tuệ và nhan sắc, không đơn thuần là cô gái sở hữu vẻ đẹp nóng bỏng như thời Donald Trump.
Vương miện danh giá thường sẽ thuộc về cô gái có câu chuyện truyền cảm hứng và khả năng hùng biện thuyết phục số đông. Đó là lý do vì sao Zozibini Tunzi - người đẹp da màu khác xa chuẩn sắc đẹp trước đây - đăng quang Miss Universe 2019.
Ở cuộc thi năm đó, với câu hỏi ứng xử: "Điều quan trọng nhất chúng ta cần dạy các cô gái trẻ thời này là gì?", Tunzi đã có câu trả lời thông minh, rành mạch: "Không gì ngoài tinh thần lãnh đạo. Đó là điều các cô gái trẻ và những phụ nữ thiếu hụt trong thời gian dài. Không phải vì chúng ta chẳng làm được, mà bởi vì những định kiến xã hội thường áp đặt lên phụ nữ".
Cả khán phòng đã ồ lên và vỗ tay không ngớt. Từ gương mặt kém nổi bật, Tunzi trở thành chiến binh "ngựa ô" và ghi điểm tuyệt đối, lên ngôi trong sự thuyết phục của khán giả.
Venezuela mất ngôi "cường quốc sắc đẹp"
Thời Philippines còn chật vật tìm chỗ đứng, khán giả đã nhớ đến Venezuela là "cường quốc sắc đẹp quốc tế" với bảy vương miện Miss Universe trải dài từ cuối năm 1970 đến 3 năm đầu của thập niên 2010.
Trong cuộc phỏng vấn sau đăng quang Miss Universe năm 2009, Stefanía Fernández giải thích tại sao Venezuela tỏa sáng: "Đó là nhờ sự cố gắng không ngừng của chúng tôi".
Quốc gia Nam Mỹ đã có tám cô gái đội vương miện Miss International và 2 lần lên ngôi ở Miss Earth. Loạt thành tích này là niềm ao ước rất lớn của những nước cùng khu vực, theo Missosology.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi.
Venezuela đã cho thấy sự đuối sức trên đường đua ngay từ cuộc thi trong nước. Giờ đây, "cường quốc sắc đẹp" chẳng còn là "miền đất hứa" đối với nhiều cô gái trẻ mong muốn đổi đời nhờ danh hiệu hoa hậu.
Đỉnh điểm vào năm 2019, Venezuela lâm vào khủng hoảng chính trị, lương thực, tình trạng lạm phát tăng cao... dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt trung tâm đào tạo hoa hậu. Kinh tế xuống dốc, các đại diện Venezuela phải tự xoay xở tiền bạc và váy áo đi thi. Nguồn tiền hạn hẹp khiến họ không có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Thị trường sắc đẹp quê nhà chững lại, các cô gái Venezuela như Andrea Diaz, Jessica Russo, Carolina Jane... quyết định rời quê hương, sang nước bạn tìm kiếm cơ hội. Dẫu vậy, kết quả không mấy khả quan.
Tuy không muốn, nhưng người hâm mộ phải chấp nhận thực tế rằng Venezuela đã đánh mất hào quang về tay những quốc gia có sự chuẩn bị tốt, tiệm cận với tiêu chuẩn ngày nay hơn.
Theo Angelopedia, khác với sự bất lực của Venezuela, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia châu Âu (ngoại trừ Anh, Pháp) cùng không ít quốc gia châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong...) mất hút trên đường đua sắc đẹp vì tin rằng những cuộc thi hoa hậu hạ thấp phẩm giá của người phụ nữ. Do đó, nhiệt huyết của họ dành cho lĩnh vực này đã giảm.
Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Tri Thức Trực Tuyến