(Cosmolife.vn) Thông qua diễn đàn với sự tham gia chia sẻ của 3 bên là Thanh niên/Sinh viên – Marketer – Nhà báo từ đó, đóng góp các góc nhìn đa chiều, phản biện và tiến bộ về những định kiến giới trong xã hội, hướng đến đề xuất những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong 3 lĩnh vực được coi là có tác động lớn: Giáo dục, Báo chí & Quảng cáo, Marketing.
Ngày 10/9, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo. Đây là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam. Truyền thông và Marketing có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực hành động về giới và bình đẳng giới của cộng đồng. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới, Việt Nam là một trong những quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc xóa bỏ khoảng cách giới. Tuy nhiên, định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội, trên các phương tiện truyền thông và báo chí. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết, quan sát và nhận diện những định kiến giới trong truyền thông, báo chí góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các khuôn mẫu giới, thúc đẩy sự phát triển công bằng và tiến bộ của xã hội.
Tiếp nối thành công của hai diễn đàn kết nối ba bên năm 2022 với chủ đề “Thời đại mới – Bàn chuyện giới”, năm 2023 này, RED Communication (Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển) tiếp tục tổ chức 2 diễn đàn với chủ đề “Truyền thông – Nói không định kiến giới” tại Hà Nội và TP.HCM với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua tăng cường sự tham gia của đa bên trong việc thay đổi các định kiến giới. Diễn đàn có sự tham gia chia sẻ của 3 bên (Thanh niên/Sinh viên – Marketer – Nhà báo). Từ đó, đóng góp góc nhìn đa chiều, phản biện và tiến bộ về những định kiến giới trong xã hội, hướng đến đề xuất những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong 3 lĩnh vực được coi là có tác động lớn: Giáo dục, Báo chí & Quảng cáo, Marketing.
Theo Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển, phụ nữ thành thị ngày nay ngày càng thể hiện và được bản lĩnh của mình hơn trên nhiều các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị xã hội những việc mà trước đây chỉ mặc định dành cho đàn ông. Xã hội phát triển, đời sống con người đổi khác, phụ nữ trở nên có vị thế hơn. Nhận thức của giới trẻ ngày càng cho thấy ít có khoảng cách hơn trong mong muốn làm việc với cả lãnh đạo là nam và nữ… Trình bày tại sự kiện, TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết, số liệu thống kê tại Việt Nam, hiện nay nữ đại biểu Quốc hội chiếm 25,5% xếp thứ 51 trên toàn cầu và thứ 4 ở Châu Á. 39% nữ giới nắm vị trí cấp cao trong doanh nghiệp (Toàn cầu là 31% và khu vực và 38%). Qua những số liệu thống kế này càng khẳng định khả năng quản lý của nữ giới hiện nay. Nếu trước kia, phụ nữ là phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà” và đối với các nữ lãnh đạo vẫn còn nhiều định kiến như việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ, thì giờ đây vai trò của phụ nữ không chỉ dừng lại ở việc “hậu cần” cho nam giới mà giờ đây, ngày càng nhiều phụ nữ thành đạt trong công việc và cuộc sống được đề cập trên truyền thông và báo chí cũng như ngoài đời.
Đồng quan điểm trên, Chuyên gia Marketing Ân Đặng, Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide cho biết, trước đây những sản phẩm quảng cáo, truyền thông thường lồng ghép vai trò vai trò của phụ nữ thường gắn chặt với vai trò bếp núc, chăm con, giặt giũ. Từ các sản phẩm tiêu dùng như bột giặt, nước rửa chén, đến các loại thực phẩm nội trợ, 90% quảng cáo đều dùng hình ảnh người phụ nữ trong gia đình… những kịch bản vẫn không thoát khỏi định kiến giới.
Tuy nhiên, trong truyền thông hiện đại, hình ảnh người phụ nữ đã chiếm những vị trí quan trọng trong công việc như lãnh đạo, quản lý… Được xây dựng dựa trên phản ánh đời thực cuộc sống và truyền tải thành các tác phẩm truyền thông, báo chí. Và truyền thông đúng hướng sẽ giúp loại bỏ định kiến giới. Theo TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, về khía cạnh giáo dục phụ nữ luôn có những rào cản, khó khăn nhiều hơn nam giới khiến tỷ lệ nữ lãnh đạo thấp. Đơn cử như phụ nữ phải thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Nếu họ sinh 2 con thì họ phải mất thời gian khoảng từ 5 - 6 năm tuy vậy vẫn có rất nhiều phụ nữ thành đạt trong công việc và cuộc sống.
Khép lại diễn đàn kết nối, TS. Lê Văn Sơn đề xuất ba nhóm giải pháp giúp truyền thông “đúng hướng” nhằm loại bỏ định kiến giới, bao gồm: Nâng cao nhận thức cho báo chí và truyền thông thay đổi nhận thức, quan niệm truyền thông về phẩm chất và kỹ năng; Đưa nội dung chống phân biệt đối xử và định kiến giới vào bộ quy tắc tắc ửng xử và tác nghiệp của nhà báo; Tăng cường giám sát nội dung truyền thông đảm bảo không định kiến giới. Hiểu rõ về tầm quan trọng của truyền thông và marketing trong việc nâng cao nhận thức chung về bình đẳng giới giúp những tác phẩm báo chí, chiến dịch quảng cáo tiếp thị với thông điệp xã hội có độ phủ tốt hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn đến công chúng và cộng đồng.
Text: Thị Dân – Cosmolife.vn | Source: General