(Cosmolife.vn) Là những người tạo ra các xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không thể phủ nhận rằng, Gen Z giờ đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang nói riêng và ngành bán lẻ nói chung…
Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với Internet và các thiết bị kỹ thuật số, nên còn được mệnh danh là những "công dân thời đại kỹ thuật số". Sự tiếp cận dễ dàng với kho kiến thức khổng lồ trên Internet khiến những người trẻ này có sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và môi trường, từ đó có trách nhiệm hơn trong hành vi tiêu dùng của mình, bao gồm các sản phẩm thời trang.
Ưu tiên 1: Thời trang bền vững
Sinh ra trong bối cảnh thịnh vượng, Gen Z đại diện cho thế hệ người tiêu dùng có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội. Họ sử dụng sức mạnh của công nghệ và Internet, thúc đẩy thời trang bền vững phát triển. Đặc biệt, vào năm 2023, thời trang bền vững được gen Z coi trọng hơn. Khi mối lo ngại về khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng, quần áo handmade hoặc second hand mang đến một giải pháp thay thế bền vững cho thời trang nhanh.
Mới đây, Instagram đã hợp tác với WGSN để thực hiện một cuộc khảo sát với người dùng Gen Z trên khắp nước Mỹ. Theo đó, hơn một nửa khách hàng trẻ cho biết họ có kế hoạch mua sắm để hỗ trợ các hoạt động mà họ quan tâm, đặc biệt quyên góp cho cộng đồng. Còn theo khảo sát của BoF Insight phối hợp cùng JUV Consulting về những thương hiệu thời trang được Gen Z ưa chuộng, thương hiệu được Gen Z yêu thích nhất thuộc về Nike. Giá cả phải chăng, đầu tư cho nghiên cứu vật liệu bền vững mới và các chiến dịch truyền thông vì xã hội đóng vai trò không nhỏ giúp thương hiệu này bỏ xa các đối thủ nặng ký.
Ưu tiên 2: Sản phẩm điện tử và công nghệ
Trái ngược với thế hệ Millennials ưu tiên du lịch trải nghiệm, mua sắm đồ gia dụng và nội thất thì người tiêu dùng Gen Z ưu tiên mua sắm các mặt hàng điện tử, công nghệ, y tế và sức khỏe (theo báo cáo Consumer Culture do 5WPR thực hiện). Theo đó, thế hệ Z sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để tham gia vào những trải nghiệm công nghệ thú vị, mang lại niềm vui hoặc giúp họ cải thiện cuộc sống hằng ngày.
Người tiêu dùng Gen Z ưu tiên mua sắm các mặt hàng điện tử, công nghệ, y tế và sức khỏe
Tuy nhiên, các sản phẩm điện tử và công nghệ thường có giá cả đắt đỏ. Vì thế, các thương hiệu cần thuyết phục được người dùng rút "hầu bao" bằng cách xây dựng các nội dung chứng minh tại sao người dùng cần mua các sản phẩm này, nó giải quyết được những vấn đề gì, nó có tốt hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh hay không…
Đơn cử như để thu hút người dùng mua máy theo dõi thể lực của mình, công ty điện tử tiêu dùng Fitbit đã thực hiện nhiều nội dung nhằm cung cấp kiến thức cho người dùng. Theo đó, thương hiệu chỉ ra rằng sản phẩm có thể theo dõi số bước đi và nhịp tim đập của người dùng và họ có thể gửi những dữ liệu này đến các bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe và tìm ra hướng khắc phục khi cần thiết. Vì thế, nếu người dùng gen Z quan tâm đến lối sống lành mạnh, họ sẽ có khả năng tin tưởng và chọn mua sản phẩm của Fitbit.
Ưu tiên 3: Sản phẩm giáo dục
Theo khảo sát thực tập toàn cầu năm 2022 của Goldman Sachs trên hơn 2.470 sinh viên thực tập trong mùa hè, 86% trong số đó cho biết họ tin rằng một cơn suy thoái công việc đang diễn ra. Khi những lao động trẻ tìm kiếm sự ổn định và ý nghĩa trong công việc ngay từ lúc bắt đầu gia nhập thị trường lao động, họ thay đổi suy nghĩ và hành động của mình để chống suy thoái cho tương lai.
Trung tâm Nghiên cứu Pew báo cáo rằng người tiêu dùng gen Z năm 2023 sẽ đầu tư nhiều vào các khóa học hoặc chương trình giáo dục giúp họ nâng cao thu nhập trong tương lai. Từ năm 2019 đến năm 2020, gen Z đã dành nhiều hơn 12% thời gian để trau dồi các khóa học kỹ năng cứng trên LinkedIn Learning so với những người học khác. Theo HubSpot, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng sự quan tâm của gen Z đối với các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến kiến thức, giáo dục bắt nguồn từ nhu cầu ổn định tài chính của họ. Nhiều người trong độ tuổi cho biết, một nền giáo dục tốt sẽ dẫn đến một công việc có mức lương cao.
Ưu tiên 4: mua sắm kết hợp giải trí
Với sự phổ biến của các nền tảng xã hội mới như TikTok, BeReal và Xiaohongshu… cũng như sự đa dạng của các kênh thương mại điện tử, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Gen Z đang dần thay đổi. Mới đây, TikTok đã hợp tác với Boston Consulting Group (BCG) để đưa ra một báo cáo về các cơ hội kinh doanh mới ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Báo cáo này đã chỉ ra rằng “mua sắm online kết hợp với giải trí” được thúc đẩy bởi nhu cầu cảm tính của người tiêu dùng sẽ trở thành một xu hướng mới trong tương lai với nhiều tiềm năng.
Sự quan tâm của gen Z đối với các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến kiến thức, giáo dục bắt nguồn từ nhu cầu ổn định tài chính của họ.
Theo đó, nội dung giải trí đa phương tiện thường tạo ra trải nghiệm tiếp thị sâu hơn và có tính tương tác cao. Trong đó, sản phẩm thời trang bắt mắt, dễ thay đổi, rất phù hợp để phát triển các nội dung giải trí thú vị, hiện chiếm khoảng 18% thị phần kinh doanh giải trí. Các thương hiệu có thể quay video thử quần áo, thực hiện thử thách thay trang phục hoặc thể hiện kiểu dáng và chi tiết sản phẩm. Tất cả những điều này đều có thể khơi dậy niềm hứng thú mua sắm của người tiêu dùng và họ có thể “chốt đơn” ngay lập tức.
Bên cạnh đó, hướng dẫn làm đẹp luôn là một chủ đề phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội lớn, chiếm khoảng 14% thị phần kinh doanh giải trí. Các thương hiệu có thể giới thiệu sản phẩm thông qua hướng dẫn trang điểm, unbox sản phẩm và đánh giá, swatch sản phẩm, biến hình Before & After...
Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Kinh Tế Việt Nam