(Cosmolife.vn) Một số người gây chuyện với nửa kia để "làm nóng" mối quan hệ. Với họ, tình yêu trở nên vô nghĩa khi quá êm đềm, ổn định.
“Tôi luôn thấy an toàn khi ở trong mối quan hệ này. Song, cảm giác buồn chán, bồn chồn vẫn thường xuất hiện và khiến tôi nghĩ ngợi”. “Anh ấy nâng niu, dành mọi thứ tốt đẹp cho tôi. Vậy mà lúc nào tôi cũng thấy thiếu gì đó. Tình yêu này dường như quá êm đềm”. Nhiều người trẻ thừa nhận không thích những mối quan hệ an toàn. Việc luôn được quan tâm, săn sóc tạo ra cảm giác nhàm chán khó tả. Thay vào đó, họ kỳ vọng tìm thấy những tình tiết kịch tính, giật gân, khiến tình yêu trở nên hấp dẫn và đáng trông chờ hơn. Nếu thiếu “gia vị” này, mối quan hệ sẽ nhạt nhẽo, đôi bên không thực sự thấu hiểu nhau. Các yếu tố trên nghe có vẻ bình thường, quen thuộc, song chúng lại ngấm ngầm khiến tình yêu trở nên độc hại. Cứ như vậy, bạn chỉ khiến cuộc sống thêm rắc rối, nhiều muộn phiền cũng như gây hại đến sức khỏe tinh thần của chính mình.
Dưới đây là 3 lý do phổ biến gây ra cảm giác không hài lòng với một tình yêu an toàn, theo Psychology Today.
Từng trải qua mối quan hệ "tàu lượn siêu tốc"
Nếu từng trải qua mối quan hệ nhiều thăng trầm kéo dài, bạn sẽ có xu hướng "nghiện" áp lực tinh thần. Sự kết hợp phức tạp giữa phấn khích, giận dữ, u sầu hay căng thẳng trở thành yếu tố gây hấp dẫn. Bạn sẽ luôn tìm kiếm cảm giác này mỗi khi bắt đầu tìm hiểu hoặc yêu đương với ai đó. Theo chuyên gia tâm lý Roxy Zarrabi, não bộ được lập trình để chú ý đến những nguồn kích thích mới lạ. Do vậy, chúng ta thường xem mối quan hệ ổn định, nhất quán là vấn đề hiển nhiên, tầm thường. Đồng thời, chống lại sự háo hức khi chuẩn bị bước vào tình yêu “sóng gió” gần như là chuyện không thể. Bởi lúc này, căng thẳng, bất an đã bị ngộ nhận thành các phản ứng hóa học cảm xúc tích cực. Ngược lại, nếu mối quan hệ bình lặng, nhiều người mặc định nó thiếu niềm vui, sự hứng thú và chọn cách rời đi. Nếu không sớm nhận ra vấn đề, bạn sẽ mãi bỏ lỡ cơ hội được chăm lo, yêu thương một cách trọn vẹn, lành mạnh.
Ảnh hưởng từ phim ảnh
Dưới ảnh hưởng của phim ảnh, truyền thông, không ít người luôn đánh đồng sự nồng nhiệt trong tình yêu với những căng thẳng. Họ luôn tìm cách gây chuyện, bới móc quá khứ, công kích đối phương với mục đích tạo “gia vị” cho mối quan hệ. Đây thường được đánh giá là một trong những thói quen độc hại nhất khi yêu. Thay vì hâm nóng tình cảm, bạn chỉ đang đẩy mọi thứ đến bờ vực đổ vỡ. Bên cạnh đó, chuyên gia tin rằng người luôn mưu cầu kịch tính, căng thẳng thường có lòng tự trọng thấp hoặc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. “Nhóm này thường tìm đến đối tác có biểu hiện độc hại (bắt nạt, thao túng) để đẩy ‘cuộc chiến’ lên cao trào. Sự bất an, giằng co kéo dài khiến họ tin đấy là tình yêu đích thực. Vì vậy, nếu yêu một người an toàn, họ sẽ biến mình thành nguồn cơn căng thẳng nhằm duy trì tình yêu cháy bỏng”, Zarrabi khẳng định.
Tâm lý phải tranh đấu vì tình yêu
Những cá nhân lớn lên trong gia đình có cha hoặc mẹ đảm đương vai trò người chăm sóc, quán xuyến mọi thứ thường có suy nghĩ khác biệt. Họ tin rằng cần bỏ ra nhiều công sức, cố chứng minh bản thân hoặc phải “chiến đấu” với mọi thứ để duy trì hạnh phúc gia đình. Khi trưởng thành, nhóm này dễ bị thu hút bởi mối quan hệ cho mình cơ hội tranh giành vị trí “đứng mũi chịu sào”, kiểm soát mọi thứ, kể cả cảm xúc của đối phương. Họ tin rằng mọi thành quả trong tình cảm đều có được nhờ tranh đấu. Chỉ như vậy, họ mới thực sự yên tâm để tiếp tục yêu đương. Tuy nhiên, tư duy này cũng vô tình đẩy cá nhân vào trạng thái độc tài, muốn thao túng mọi thứ. Dần dần, mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nửa kia và chính họ. Bản thân những cá nhân này khó nhận ra mình đang có suy nghĩ, hành động kém lành mạnh. Thực tế, bạn không cần chứng tỏ năng lực quán xuyến, cố nắm quyền kiểm soát hay hao tốn quá nhiều công sức cho một mối quan hệ lành mạnh. Lối tư duy ‘yêu là phải tranh đấu’ cần sớm được loại bỏ”, Zarrabi nói.
Giải pháp
Theo nữ chuyên gia, không có gì sai nếu muốn “làm nóng” mối quan hệ. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng sự ổn định mới thực sự là chìa khóa của hạnh phúc. Nếu vẫn cảm thấy bức bối, hãy cân nhắc những lối ra sau đây:
- Tập trung vào chính mình: Rất có thể, vấn đề nằm ở góc nhìn, hoặc những nhu cầu chưa được thấu hiểu của bạn. Thay vì cố chạy theo những rủi ro, bạn nên dành thời gian lắng nghe bản thân.
- Bạn thực sự thích giác bất an, kích thích này, hay chỉ dùng nó để che đi mong muốn nào khác? Đâu là điều bạn thực sự cần khi yêu? Kỳ vọng dành cho mối quan hệ này là gì?
- Chia sẻ với đối phương: Zarrabi khuyến khích mọi người nên tập cách trò chuyện chân thật với nửa kia. Hãy nhớ rằng tình yêu là chuyện của hai người. Bạn cần cho anh/cô ấy cơ hội được biết về những lo lắng hoặc nguyện vọng của mình. Nhờ đó, cả hai sẽ thấu hiểu, và cùng hướng đến tương lai ổn định, lành mạnh hơn.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp: Như đã nói, nhiều trường hợp cố kịch tính hóa tình yêu mắc rối loạn tâm thần từ nặng đến nghiêm trọng. Lúc này, vấn đề không còn thuộc tầm kiểm soát của bạn. Thay vì cố tự giải quyết, bạn nên liên lạc với tâm lý gia để được gỡ rối một cách hiệu quả nhất.