ITE HCMC 2022: Giải pháp phục hồi và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch quốc tế bền vững
9893 Views
08-09-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Mới đây, tại khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững, để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết và bàn giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. 

Thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE

Tới tham dự Diễn đàn Du lịch cấp cao, về phía lãnh đạo Nhà nước vinh dự có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch và 45 vị lãnh đạo Sở du lịch quản lý các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Diễn đàn cũng vui mừng chào đón sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ du lịch đến từ các quốc gia Lào, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar cùng với Thị trưởng từ các thành phố thành phố Viêng Chăn, Phnom Penh, Yangon, Bangkok, San Francisco, Los Angeles và Mumbai và các đại biểu đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, tám tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa tám tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch tám tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu COVID-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. 

Vì vậy, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cũng khẳng định vai trò to lớn của ngành du lịch, khi trong giai đoạn 2016 - 2019 đã đóng góp bình quân 10-12% trong GRDP của Thành phố, khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh luôn chiếm gần 50% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu từ khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng ¼ doanh thu từ khách du lịch quốc tế của cả nước.

Bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng, việc phục hồi du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền và người dân Thành phố: “Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường thông qua chiến dịch truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn”, xây dựng sản phẩm mới đặc thù của Thành phố với điểm nhấn là chương trình “Mỗi Quận huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”, liên kết với các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút du khách, nhất là các đoàn khách MICE đến thành phố... Những giải pháp trên đã bước đầu đạt được kết quả tích cực: trong 8 tháng đầu năm 2022 đã đón được hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 16,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021.”

Du lịch cần những giải pháp đột phá

Với hai phiên làm việc, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới được đưa ra nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.

Tại phiên làm việc thứ nhất, các đại diện đến từ Bộ Du lịch các quốc gia gồm: Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Bộ trưởng du lịch Campuchia, lãnh đạo Bộ Du lịch Ấn Độ và Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội… đã thảo luận các vấn đề nhằm phát triển du lịch bền vững. Các vấn đề được đưa ra xoay quanh nội dung triển vọng phục hồi du lịch thế giới, giải pháp phát huy vai trò các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phục hồi du lịch, tăng cường liên kết nhằm phục hồi và tái thiết du lịch…

Phát biểu tại phiên làm việc thứ hai “Du lịch MICE - Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế” ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TPHCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

Theo ông Hà Văn Siêu, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong hai năm dịch bệnh, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn, sự kiện du lịch quốc tế lớn đầu tiên của Việt Nam sau khi mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch. 

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được ban hành, tháng 10/2021, cùng với việc nhanh chóng tăng tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19, du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3, so với mục tiêu đặt ra trước đó là ngày 30/4. Du lịch trong nước đã có bước khởi sắc rất tốt. Du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi. Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành du lịch, đã tranh thủ trong thời gian dịch bệnh để nỗ lực đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua những khó khăn để giữ được nguồn nhân lực du lịch. Đây là cơ sở để du lịch Việt Nam tự tin thực hiện những giải pháp mở rộng, phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới một cách an toàn, linh hoạt, mạnh mẽ.

Chia sẻ thêm một số vấn đề với các đại biểu, thứ nhất, Phó Thủ tướng nêu "bài toán" thiếu nhân lực du lịch dù chúng ta luôn khuyến khích phát triển các trường nghề, phát triển du lịch. "Phải huy động được các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp du lịch, tham gia đào tạo. Bộ VHTT&DL cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ hai, là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Trước hết là những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nylon, sau đó lan tỏa ra các khu dân cư xung quanh.

Thứ ba, là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông minh, mà còn là số hoá các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến.

Thứ tư, là tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đề nghị Bộ VHTT&DL phải chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả các khâu trong phát triển du lịch (xúc tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, xây dựng môi trường văn hoá, khắc phục các nỗi sợ của du khách…) phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian hai năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp với nhau, có những giải pháp rất mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm, triệt để từng vấn đề, vướng mắc gặp phải, thúc đẩy du lịch góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội nhanh hơn sau đại dịch.

Text: Thị Dân – Cosmolife.vn | Source: General
RELATED NEWS

Những bức chân dung từ lụa vụn: Chung tay xây nhà mới cho người khuyết tật

8198 Views
16-04-2024
Dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” ra đời nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng để cải thiện điều kiện lao động cho những “nghệ nhân” đặc biệt – những người đứng sau các tác phẩm tranh lụa đầy ấn tượng của Vụn Art.

Accor ký kết 6 dự án mới tại Châu Á trong quý 1 năm 2024, nổi bật với dự án Mövenpick Vũng Tàu

18492 Views
15-04-2024
Mở rộng tại thị trường châu Á, Accor ghi dấu ấn với hàng loạt hợp đồng. Trong quý 1 năm 2024 vừa qua, Accor đã thành công ký kết một loạt các hợp đồng lớn trên khắp châu Á, đánh dấu những cột mốc quan trọng.

Vì sao khoai tây Mỹ lại là thành phần dinh dưỡng tốt cho người tập gym?

32433 Views
13-04-2024
Tại buổi hội thảo Khoai Tây Mỹ - Thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho người tập gym, chuyên gia dinh dưỡng Đặng Quốc Thắng đã có những chia sẻ thú vị về chế độ ăn hàng ngày cùng với nguyên liệu thiết yếu kết hợp với khoai tây giàu dinh dưỡng và chế độ luyện tập phù hợp để có một cơ thể cân đối, săn chắc và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, đầu bếp Lê Xuân Tâm đã giới thiệu cho các gymer về thông tin dinh dưỡng của khoai tây cũng như các món ăn ngon và bổ dưỡng với khoai tây Mỹ để cung cấp nguồn năng lượng cho việc luyện tập thể thao.

Lễ hội Sống khỏe năm 2024 lần đầu tổ chức tại tại Quận 10, TP. HCM là điểm đến của y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí

20708 Views
12-04-2024
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 lần đầu tổ chức tại TP. HCM kỳ vọng đón 10.000 lượt khách, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn dịp lễ 30/4 và 1/5. Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí. Thông qua chuỗi hoạt động thú vị, có giá trị được thiết kế “đo ni đóng giày” cho sự kiện, Ban Tổ chức Lễ hội mong muốn cung cấp kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để mỗi người tham gia có thể tích lũy kinh nghiệm để bản thân có thể sống vui, khỏe, đẹp hơn mỗi ngày.

Từ Nông Trại tới Bàn Ăn: Mr Trí Phan - Influencer lý giải vì sao nên sử dụng sản phẩm hữu cơ EU

37633 Views
08-04-2024
Hội thảo báo chí “Từ Nông Trại tới Bàn Ăn: Tương lai bền vững với Nông nghiệp Hữu cơ theo tiêu chuẩn của Châu Âu” cung cấp những hiểu biết thêm về các sản phẩm hữu cơ của Liên minh châu Âu và vai trò quan trọng của nông nghiệp hữu cơ trong việc đối phó với những thách thức đáng lo ngại nhất đang đối mặt với ngành này, bao gồm mất mùa, sự tăng giá và áp lực trên chuỗi cung ứng do biến đổi khí hậu, sâu bệnh, các bệnh thực vật, được chia sẻ bởi diễn giả ông Albin Deforges, Đại diện Naturland tại Việt Nam và Mr. Trí Phan – Influencer.