(Cosmolife.vn) Hen suyễn là căn bệnh mãn tính không thể chữa khỏi, vì vậy cần có phương pháp kiểm soát các triệu chứng bệnh cần thiết để không dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong.
Tập Tám chương trình Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày vừa lên sóng lúc 16 giờ thứ hai ngày 27/6 trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia tư vấn là Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Ngọc Bích, GĐ Y Khoa Bệnh viện Quốc tế Minh Anh TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ cung cấp kiến thức về hen suyễn, đồng thời hiểu hơn về phương pháp xông khi dung trong điều trị hen ở trẻ em.
Có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh hen phế quản (còn gọi là hen suyễn), với trẻ em nhiều người lựa chọn điều trị tại nhà bằng máy xông khí dung. Trong tình huống tuần này, người mẹ chồng muốn mua máy xông khí dung để cho cháu nội điều trị hen suyễn tại nhà, tuy nhiên con dâu không đồng ý mua vì chưa từng nghe đến phương pháp điều trị này. Dù đã cố gắng giải thích nhưng mẹ chồng nàng dâu vẫn không thể nhất trí dẫn đến tranh cãi nổ ra. Lúc này, người con trai đề nghị cả nhà cùng tham khảo ý kiến để hiểu hơn về phương pháp của mẹ chồng đưa ra.
Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết: “Hen suyễn là bệnh viêm đường hô hấp mãn tính của đường hô hấp do tế bào và các chất trung gian gây ra tổn thương niêm mạc, phế quản. Gây ra sự co thắt ở trong phế quản, tăng tiết dịch nhớt làm tắc đường phế quản hẹp ống thở người bệnh, gây cơn co thắt làm người bệnh khó thở. Ho kéo dài và dai dẳng, lâu dần sẽ tổn thương đến phổi”. Bác sĩ nhấn mạnh bệnh hen suyễn không chữa được mà chỉ có thể kiểm soát bệnh.
Với trẻ em mắc hen suyễn, nếu không thể kiểm soát được bệnh sẽ gây hậu quả ho dai dẳng, hạn chế các hoạt động và có thể sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Bệnh nhân bị hen suyễn cấp có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu của hen suyễn thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám bệnh và cho dùng thuốc theo chỉ định.
Nói về dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ, bác sĩ chia sẻ: “Cánh mũi phập phồng, ho dai dẳng, khó thở, ban đêm không ngủ được. Trong gia đình có người bị hen suyễn thì dễ có nguy cơ di truyền cho trẻ hơn. Đồng thời, trẻ từng bị chàm, viêm mũi dị ứng cũng là những triệu chứng”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, mục tiêu điều trị hen suyễn cho trẻ em dưới 5 tuổi cần: “Đạt được kiểm soát triệu chứng tốt và duy trì mức độ hoạt động bình thường đảm bảo chức năng của phổi duy trì tốt. Giúp hạn chế nguy cơ tương lai, giảm cơn hen cấp”. Chuyên gia nhấn mạnh để đề phòng hen suyễn có thể dùng thuốc “dự phòng” hen như corticosteroid dạng hít, dạng khí phun để cắt cơn hen, giúp giảm tình trạng viêm đường hô hấp khi các triệu chứng bệnh gia tăng. Bác sĩ cho thuốc có thể dùng máy xông khí dung, bình xịt định liều, bình hít bột khô để đưa thuốc vào phổi.
Nói về câu chuyện gây tranh cãi trong tình huống, chuyên gia nhận định: “Máy xông khí dung sẽ giúp phun thuốc dạng nước tạo thành đám mây dễ hít vào phổi. Máy phun khí dung có ưu điểm là có thể pha chung với các thuốc tương thích khác, dễ thở và phun đồng thời cùng với bình oxy và điều chỉnh liều lượng thuốc vào phổi một cách dễ dàng”. Chuyên gia lưu ý chỉ nên điều trị hen suyễn cho trẻ bằng máy xông khi dung sau khi có tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
Đón xem chương trình Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày phát sóng lúc 16 giờ thứ Hai hàng tuần trên kênh THVL1.
Text: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: General