Cập nhật những kiến thức sức khỏe thú vị và đầy bổ ích đầu tháng 11
8278 Views
31-10-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Cosmolife.vn) Trên sóng truyền hình đầu tháng Mười Một này, nhiều chương trình trò chuyện truyền hình với các bác sỹ uy tín cung cấp cho bạn những kiến thức sức khỏe thường thức và mới nhất như: Bác Sỹ Gia Đình, Hỏi Bác Sỹ Chuyên Khoa, Bác Sỹ Nhi Khoa, Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày...

Bác Sĩ Nhi Khoa: Học được bí quyết gia truyền trị bệnh táo bón từ ông bán mật ong, người bà bị chê trách

Tập 33 Bác Sĩ Nhi Khoa vừa phát sóng với chủ đề Nguyên tắc điều trị táo bón kéo dài cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần biết. Chương trình với sự kết nối của MC Trương Quốc Bảo cùng sự tư vấn của TS.BS Nguyễn Huy Luân -Chuyên khoa Nhi - BV Nhi Đồng 2 TP.HCM. Tham gia tiểu phẩm tình huống tuần này là các diễn viên NSND Hồng Vân, Ngọc Lan và Phương Lan.

Mát-xa giúp con gái dễ đi đại tiện, người mẹ bị mẹ ruột chê trách. Cụ thể, bà nói: “Con nhồi cháu mẹ chi mà nhìn như nhồi bánh bột lọc thế con. Cháu của mẹ mệt mỏi vì không đi cầu được mà con còn nhồi như vậy thì sao nó chịu được”. Ngay sau đó, người bà còn bày cách giúp cháu dễ đi vệ sinh như bổ sung chất xơ, bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa,… Nghe xong, người con gái liền cho biết: “Con làm hết rồi. Tất tần tật từ A đến Z mà không hiểu sao vài bữa là bị lại”.

Sau đó, người bà liền cho biết đã học được bí quyết gia truyền trị bệnh táo bón từ ông bán mật ong. Cụ thể, bà cho biết: “Cái phương pháp đó là chỉ cần lấy mật ong rồi bôi vào hậu môn của đứa trẻ. Khoảng chừng nửa tiếng sau là nó sẽ đi được”. Bà cho biết đã mua một chai thật to để cho cháu dùng. Nghe xong, người mẹ liền bế con vào làm theo phương thuốc chữa bệnh táo bón của mẹ.

Bất ngờ, bà hàng xóm qua thăm hỏi về tình trạng của đứa cháu và cho biết: “Con nít cái gì cũng non nớt, cả cái đường ruột cũng non nữa. Nếu trẻ kéo dài thì mình phải dùng nhiều biện pháp an toàn cho trẻ. Bày đặt mua mật ong dỏm về tha không hết bệnh mà còn phản tác dụng nữa”. Nghe xong, người bà kiên quyết không đồng tình với bà hàng xóm. Ngay lập tức, bà hàng xóm liền nhờ bác sĩ tư vấn.

Giải đáp thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, TS.BS Nguyễn Huy Luân cho biết: “Để nhận biết trẻ táo bon, bố mẹ cần theo dõi hàng ngày những thói quen của trẻ, cách trẻ đi tiêu, hình dáng và mức độ mềm, cứng của phân. Từ đó chúng ta mới có thể đánh giá trẻ đi tiêu có tốt hay có nguy cơ bị táo bón hay không. Đối với những trẻ bị táo bón kéo dài, phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước sẽ làm căng bụng và khiến trẻ ít ăn dẫn đến thiếu chất”.

“Để điều trị táo bón kéo dài, phụ huynh nên kiên trì ở nhiều biện pháp. Nếu phân cứng quá thì phụ huynh cần phải thụt tháo, sau đó sẽ điều trị duy trì cho trẻ. Cần áp dụng những thói quen có lời trong việc điều trị táo bón cho trẻ như cho trẻ vận động, cho trẻ uống nước, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ và đặc biệt phải cung cấp nhiều chất xơ. Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng một số sản phẩm dạng si-rô chiết xuất từ táo tây, mận tây để hỗ trợ và điều trị táo bón”, vị bác sĩ chia sẻ thêm.

Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày: Cách giảm đau trong các bệnh lý cơ xương khớp

Tập 26 chương trình Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Phó giáo sư - Tiến sĩ  - Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp - Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp.

Bắt đầu với tình huống tuần này, người chồng bị đau cơ xương khớp và cho rằng đó là bệnh tuổi già và sẽ tự khỏi nên không cần uống thuốc. Trong người vợ lại cho rằng đậu bắp có chất nhớt, và da heo kho cũng tốt cho cơ xương khớp nên thường xuyên nấu cho cả nhà ăn. Đồng thời, người vợ còn bắt chồng mình uống nhiều canxi để tốt cho xương nhưng không nhận được sự đồng tình của mọi người. Cuộc tranh cãi nổ ra khiến người con trai phải nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia.

Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Cao Thanh Ngọc cho biết: “Các bệnh lý cơ xương khớp được chia làm hai nhóm: Nhóm chấn thương do bị tai nạn, gãy xương, trật khớp hoặc có khối u cần mổ cần đi khám bác sĩ chấn thương chỉnh hình; Nhóm thứ hai là nhóm bệnh cơ xương khớp nội khoa, đau không do chấn thương và nên đi khám bác sĩ nội cơ xương khớp”. Bác sĩ nói thêm, các triệu chứng thường gặp của bệnh lý cơ xương khớp gồm: Đau nhức khớp khi vận động, sưng khớp, cứng khớp khiến giới hạn vận động hoặc đau cơ, yếu cơ,…

Theo chuyên gia, các bệnh cơ xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi như: Thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh gout. Ở người trẻ có thể bị viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp và bệnh gout. Bác sĩ cho biết: “Càng lớn tuổi thì hệ cơ xương khớp càng dễ bị lão hóa dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh cơ xương khớp càng cao. Ngoài ra thì phụ nữ dễ mắc bệnh lý xương khớp hơn so với nam giới, yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh lý này”.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc lưu ý thêm về các yếu tố dẫn đến bệnh cơ xương khớp có thể thay đổi được như: Thừa cân béo phì, lao động nặng, tập thể dục thể thao nặng trong thời gian dài, làm việc sai tư thế hoặc ăn uống thiếu chất, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. Bác sĩ nói thêm, việc tự ý uống canxi hay liền tục dùng đậu bắp, da heo như trong tình huống hoàn toàn không có khả năng điều trị bệnh xương khớp, trái lại có thể dẫn đến các biến chứng không tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt, bác sĩ còn đưa ra các phương pháp giảm đau cho bệnh lý cơ xương khớp: Xoa bóp, ấn huyệt, châm cứu hoặc tập các bài tập tăng sức mạnh cơ xương khớp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) như: Dùng paracetamol trong trường hợp bệnh nhẹ; nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) dùng trong trường hợp bệnh trung bình đến nặng; Thuốc giảm đau thần kinh, giãn cơ hoặc thuốc đặc trị dành cho bệnh lý. Ngoài ra, trong trường hợp điều trị không đúng hay điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh lý đã nặng có thể can thiệp bằng biện pháp ngoại khoa như phẫu thuật. “Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần áp dụng phương pháp thay đổi lối sống như: Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, tăng cường vận động, tránh lao động nặng trong thời gian dài, làm việc đúng tư thế và có chế độ ăn uống bổ sung dinh dưỡng đầy đủ”, bác sĩ nói thêm.

Hỏi Bác Sĩ Chuyên Khoa: Những triệu chứng báo hiệu bệnh phì đại tiền liệt tuyến người bệnh cần lưu ý

Tập 52 chương trình Hỏi Bác Sĩ Chuyên Khoa vừa phát sóng trên kênh HTV7 có chủ đề Cảnh báo biến chứng của phì đại tiền liệt tuyến, với sự tham gia tư vấn của Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Phong, Phó trưởng khoa Ngoại Niệu bệnh viện nhân dân 115 và được kết nối bởi MC Như Yến.

Tìm đến chương trình để nghe tư vấn tuần này là chú Lưu Văn Chí, 52 tuổi, ngụ tại Huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Theo như chú chia sẻ, những năm gần đây chú bắt đầu bị đi tiểu nhiều. Ban đầu, chú bị đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm sau đó chuyển sang chứng đi tiểu khó khăn. Đêm nào chú cũng bị mất ngủ do phải đi tiểu liên tục.

Do gặp khó khăn trong việc đi tiểu khiến tâm trạng chú bất ổn, ảnh hưởng đến công việc làm ăn do sức khỏe tinh thần của chú không ổn định. Tìm đến chương trình “Hỏi bác sĩ chuyên khoa", chú Chí  muốn được nghe tư vấn của bác sĩ các giải pháp điều trị rối loạn tiểu tiện.

Nghe những chia sẻ của chú Khanh, BS Phong tư vấn: “Vấn đề thay đổi về việc tiểu tiện như tiểu khó tiểu nhiều lần, tiểu đêm đây là những dấu hiệu gợi ý cho mình bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi của mình đó là phì đại tiền liệt tuyến. Theo như những thống kê trên thế giới, nam giới vào độ tuổi từ 50 đến 60 thì có 50% người bị. Người trên 80 tuổi thì đến 90% để thấy là tần suất nó rất phổ biến cho nên chú phải chia sẻ và đi thăm khám để bác sĩ có phác đồ điều trị riêng cho mình. Nếu như không điều trị sớm thì chúng ta có thể bị kéo dài bệnh và mắc các triệu chứng nặng hơn.”

Nói về phương pháp điều trị bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ khuyên: “Nói về phương pháp điều trị thì phải điều trị rối loạn trong cơ thể và các triệu chứng của bệnh thì nó rất là phức tạp và cái hiệu quả không có như ý và chi phí cũng rất cao. Xu hướng ngày nay thì sử dụng thảo dược trong điều trị phì đại tiền liệt tuyến luôn được các chuyên gia y tế đánh giá cao vì tính an toàn, hiệu quả và sử dụng lâu dài. Trong đó phải kể đến chiết xuất AGEprost của cây hoa ngũ sắc đã cho thấy có khả năng ức chế sự phát triển của tuyến tiền liệt.”

Sau một tháng sử dụng sản phẩm theo tư vấn của bác sĩ, chú Chí nhận thấy tình trạng của mình đã đỡ hơn. Chú đã có thể đi tiểu dễ dàng hơn, sức khỏe tinh thần ổn định. Gia đình vui mừng vì chú có thể ngủ ngon hơn, thoải mái trong sinh hoạt mà không gặp khó khăn như trước.

Bác Sĩ Nhi Khoa: Trẻ bị táo bón có nên tháo thụt và uống thuốc nhuận tràng

Tập 34 Bác Sĩ Nhi Khoa vừa phát với chủ đề Trẻ táo bón - tháo thụt, thuốc nhuận tràng và nguyên tắc ba ngày. Chương trình với sự dẫn dắt của MC Trương Quốc Bảo cùng chuyên gia TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng -Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, BV Nhân Dân 115 TP.HCM. Tham gia tiểu phẩm tình huống tuần này là các diễn viên Ngân Quỳnh, Lâm Vỹ Dạ và Kha Ly.

Cho con uống thuốc nhuận tràng để dễ đi tiêu, người mẹ làm đủ chiêu trò nhưng cô bé vẫn không chịu uống. Bất ngờ, bà hàng xóm qua chơi thấy được cảnh hai mẹ con đang trong cơn vật vã liền dò hỏi. Lúc này, người mẹ mới cho biết: “Bé nó bị táo bón ba, bốn tháng nay rồi, cái bụng nó cứng ngắt à. Cứ ba ngày là con phải cho uống thuốc một lần thì mới đi tiêu được”. Người mẹ còn nói thêm là đứa con không chịu uống thuốc nên mình phải nghỉ làm mấy ngày liền.

Cùng lúc này, người dì bất ngờ qua thăm cháu và không đồng ý người chị cho cháu của mình uống thuốc nhuận tràng. Cô còn cho biết con nít táo bón là chuyện thường gặp và cần tháo, thụt nhiều để giúp trẻ dễ đi tiêu. Trong lúc hai chị em cãi nhau, bà hàng xóm liền cho rằng cả hai phương pháp trên đều không đúng. Lập tức, cô liền nhờ bác sĩ để tứ vấn rõ hơn về tình trạng này.

Giải đáp thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết: “Thuốc nhuận tràng cũng là một loại thuốc giúp bé trong một số trường hợp. Tuy nhiên việc sử dụng phải đúng chỉ định và có thời gian để thuốc phát huy tác dụng. Trong tiểu phẩm, bé uống thuốc nhuận tràng nhưng vẫn không đi được khiến ba mẹ lo lắng hơn. Và họ sẽ bắt đầu dùng những biện pháp bơm, thụt. Những biện pháp này phải dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu không sẽ gây ra hậu quả là trẻ sẽ bị lệ thuộc vào tình trạng bơm, thụt và dẫn đến tình trạng liệt cơ vùng hậu môn”.

“Để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ, phụ huynh cần giải thích để giúp trẻ không còn sợ tình trạng đi cầu. Vấn đề quan trọng tiếp theo là dinh dưỡng, phụ huynh cần lưu ý đến thực phẩm và nước uống. Trong thực phẩm thì phụ huynh cần bổ sung chất xơ, tuy nhiên cần bổ sung ở mức vừa đủ. Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục để dễ dàng đi tiêu hơn”, vị bác sĩ chia sẻ thêm.

Sống Khoẻ Đời Vui: Điều trị đau nhức xương khớp lúc giao mùa và những điều cần lưu ý

Tập 26 chương trình Sống Khỏe Đời Vui phát sóng với chủ đề “Điều trị đau nhức xương khớp lúc giao mùa và những điều cần lưu ý”. Chương trình với sự tham gia tư vấn của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cùng sự kết nối của MC Thanh Phương.

Hai người bạn hẹn nhau gặp mặt bất ngờ anh chồng lấy điện thoại ra quay vì nghi vấn vợ mình hẹn người yêu cũ. Thấy chồng hiểu lầm, người vợ nhanh chóng giải thích: “Trời ơi, anh là chồng em mà không tin tưởng em gì hết. Em hết ảnh ra đây để lấy thuốc xương khớp. Dạo gần đây em thấy cơ thể mẹ đau nhức, nghe nói thuốc của anh này hiệu quả nên mới hẹn ảnh để bốc thuốc”. Nghe vậy anh chồng vẫn không tin, vì người đàn ông bốc thuốc là bác sĩ thú ý làm sao có thể trị bệnh cho người.

Đáp lại sự nghi ngờ của người chồng, ông bác sĩ nói: “Đúng thiệt, tôi là bác sĩ thú y nhưng tôi học được cách để chữa các bệnh về xương khớp, nhức mỏi cơ thể. Hai nguyên liệu chính là củ địa liền và trái đủng đỉnh. Củ địa liền là để uống còn trái đúng đỉnh là xoa bóp. Uống cái liều thuốc của tôi một tuần là khỏi”. Người chồng vẫn nhất quyết không tin, vì không có loại thuốc nào uống mà khỏi được liền hết. Thấy vợ không hiểu về cách điều trị bệnh đau nhức xương khớp người chồng liền mời bác sĩ tư vấn về tình trạng này.

Theo dõi câu chuyện tình huống, BS Nguyễn Thị Sơn cho biết: “Đối với những bệnh nhân đau nhức xương khớp thì thường hay tái phát hoặc đau nhức nhiều hơn khi mà thời tiết thay đổi vì khi thời tiết thay đổi thì nhiệt độ môi trường sẽ giảm đi hoặc độ ẩm sẽ thay đổi. Điều này sẽ làm hệ thống mạch máu của chúng ta co lại và các mạch máu nuôi dưỡng khớp gối và các dây chằng, các cơ chung quanh nó sẽ bị giảm đi như vậy sẽ khiến chúng ta đau nhức. Thứ hai, khi thời tiết thay đổi sẽ làm giảm tiết các dịch của các khớp, khi cử động sẽ khó khăn hơn và nó sẽ gây đau. Đặc biệt hơn đối với những người đau nhức xương khớp có thoái hoá thì khi thời tiết thay đổi, sau một đêm ngủ dậy chúng ta có thể bị cứng khớp là do hoạt động của chúng ta kém. Thời tiết thay đổi đôi khi nó sẽ kích thích cái bao hoạt dịch của chúng ta bị viêm nên khi đó nó sẽ làm tăng tiết dịch viêm sẽ gây đau và sưng ở khớp của chúng ta”.

Để hiểu hơn về những sai lầm và cách điều trị các bệnh về xương khớp, bác sĩ cho biết thêm: “Nếu như nghe thấy thông tin thay đổi thời tiết thì chúng ta cần chuẩn bị cho cơ thể. Đầu tiên là giữ ấm cho cơ thể, đeo vớ khi đi ngủ hoặc là tắm nước ấm. Thứ hai chúng ta có thể xoa bóp vùng khớp bị viêm bằng dầu nóng thì khí huyết sẽ lưu thông. Ngoài ra, còn có thể ngâm chân bằng nước ấm, pha một ít nước muối hoặc nấu thêm một ít cây lá lốt như vậy vừa cung cấp các chất khoáng vừa cung cấp các tinh dầu để lưu thông máu huyết của chúng ta. Chúng ta cần có những bài tập thể dục hợp lý và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong các bữa ăn. Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp đó là giảm đau, tái tạo và bảo vệ sụn khớp, ngăn ngừa biến chứng. Việc sử dụng y học cổ truyền để hỗ trợ y học hiện đại trong việc điều trị các bệnh về xương khớp là rất hiệu quả. Các loại thảo dược điều trị thoái hóa khớp như: địa liền, thổ phục linh, hy thiêm, độc hoạt tang ký sinh”.

Bác Sĩ Nhi Khoa: Phân biệt chậm đi tiêu và táo bón ở trẻ

Tập 35 Bác Sĩ Nhi Khoa vừa phát sóng với chủ đề “Phân biệt chậm đi tiêu và táo bón ở trẻ”. Chương trình với sự dẫn dắt của MC Nam Hee cùng chuyên gia BS CK2 Hoàng Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM. Tham gia tiểu phẩm tình huống tuần này là các diễn viên Đại Nghĩa, Lê Khánh và Lê Lộc.

Đến trường gặp cô giáo, người cha bất ngờ khi nghe tin con gái mình đang gặp phải vấn đề về tiêu hóa. Ông nói: “Con tôi nó chậm đi tiêu, ba hoặc bốn ngày nó mới đi tiêu một lần. Mà mỗi lần nó đi ít bởi vì nó ăn ít thôi chứ bón gì mà bón”. Nghe xong, cô giáo cho biết: “ba ngày bé mới đi ngoài lận đó anh. Anh xem lại là bé đang gặp phải tình trạng táo bón rồi. Nếu để tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe lắm ạ”.

Người cha vẫn chưa chấp nhận con mình bị táo bón nên liên tục lớn tiếng với cô giáo. Lúc này, một phụ huynh khác cũng tò mò nên đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Tuy nhiên, cô vẫn chưa hiểu về sự khác nhau giữa chậm đi tiêu và táo bón. Chính vì thế, cô giáo liền nhờ bác sĩ để được tư vấn.

Giải đáp thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, BS CK2 Hoàng Thị Thanh Thủy cho biết: “Biểu hiệu dễ nhận biết nhất ở trẻ bị táo bón là tình trạng chậm đi tiêu, khoảng ba đến bốn ngày thì trẻ mới đi một lần. Để đánh giá trẻ bị táo bón hay chậm đi tiêu thì cần phải có hai tiêu chí. Thứ nhất là thời gian giữa hai lần đi tiêu của trẻ. Thứ hai là hình thái của phân và những biểu hiện liên quan khác như hậu môn bị nứt gây đau, gây chảy máu, trẻ nhịn đi tiêu,…”.

“Việc trẻ chậm đi tiêu cũng có những nguyên nhân tương tự như trẻ bị táo bón. Về nguyên nhân thực thể thì trẻ đang gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Về nguyên nhân cơ năng thì do trẻ được cho ăn quá nhiều, cho ăn những thực phẩm quá nhiều chất khiến hệ tiêu hóa bị quá tải và không xử lý kịp, hoặc trẻ ăn quá ít khiến cho quá trình chuyển hóa chất không đủ để tạo các khối phân. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như trẻ ít vận động khiến nhu động ruột kém,…”, vị bác sĩ nói thêm.

Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày: Hiểu hơn về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý suy tim, bệnh nhân suy tim nên có chế độ ăn uống như thế nào

Tập 28 chương trình Vui Khỏe Đẹp Mỗi Ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Hoàng Minh, Khoa Tim Mạch - Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức căn bệnh suy tim nguy hiểm. Trong tình huống tuần này, người vợ bị suy tim nhưng vì cảm thấy bản thân không còn mệt mỏi nữa nên đã không uống thuốc theo bác sĩ chỉ định. Thậm chí khi người con đề nghị đưa mẹ đi khám bệnh để kịp theo dõi sát bệnh của mẹ thì cả hai vợ chồng đều từ chối vì cho rằng đã hết bệnh. Không cùng quan điểm với nhau, người con trai quyết định nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia.

Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Trần Thị Hoàng Minh cho biết: “Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch, suy tim có ảnh hưởng nhiều đến chức năng của cơ tim bao gây rối loạn chức năng co bóp. Khi tim không chứa máu được gọi là suy tim tâm trương, và khi không co bóp được gọi là suy tim tâm thu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống”. Theo bác sĩ, suy tim nguy hiểm và có nhiều ảnh hưởng như: Cơ thể mệt mỏi, da xanh tái, ngất xỉu thường xuyên; Không đảm bảo sức khỏe khi làm việc khiến hiệu quả công việc giảm sút; Làm ngắn đi tuổi thọ bệnh nhân; Điều trị không hiệu quả sẽ gây biến chứng như ngưng tim, nhồi máu cơ tim và tử vong; Ngoài ra suy tim còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, phù phổi,… Bác sĩ cho biết: “Theo nguyên lý bệnh học có thể phân làm ba loại suy tim: Suy tim trái thường do tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim bẩm sinh hay rối loạn nhịp tim với triệu chứng như khó thở (đặc biệt là khó thở về đêm), khó thở khi gắng sức; Suy tim phải thường do tăng áp lực động mạch phổi, viêm phổi, bệnh COPD, suy tim trái tiến triển, hẹp van 2 lá với các triệu chứng như khó thở kèm theo phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi; Suy tim toàn bộ là kết quả cuối cùng của suy tim trái và suy tim phải (thường do suy tim trái gây ra) với các triệu chứng thường gặp như khó thở mức độ nặng, phù, tiểu ít, gan to và tĩnh mạch cổ nổi”.

Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng Minh, mục đích của việc điều trị suy tim là làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, nhập viện và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chuyên gia cho biết, bệnh nhân suy tim sẽ được điều trị triệu chứng bằng cách dùng thuốc trợ tim, hỗ trợ hô hấp, lợi tiểu, giãn tĩnh mạch máu. Đồng thời điều trị nguyên nhân như khi bị hẹp van động mạch cần được thông tim để nong van động mạch; bệnh mạch vành cần đặt stent hoặc phẫu thuật bắt cầu mạch vành; bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật sửa chữa dị tật tim; Và bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp của mình. Chuyên gia nhấn mạnh, để giúp điều trị suy tim tốt và giảm nguy cơ nhập viện hiệu quả, bệnh nhân cần: Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng suy tim như hạn chế thuốc lá, uống rượu bia, kiểm soát đường huyết, lipid máu, huyết áp, giữ cân nặng để hạn chế béo phì, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng; Có chế độ tập luyện phù hợp như giảm muối, bổ sung Kali (thịt lợn nạc, đỗ các loại, bông cải xanh, bơ, nho, chuối,…), Ăn ít mỡ động vật, thay thế bằng dầu thực vật, Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp; Đồng thời phải thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng tại chỗ, ở cấp độ suy tim nhẹ hơn có thể đi bộ nhiều hơn với khoảng cách phù hợp thể trạng.

Bác Sĩ Gia Đình: Những nguyên nhân người bệnh bị mắc chứng ấu trùng dưới da

Người đàn ông ngồi trên ghế sofa gãi ngứa liên tục, con gái thấy vậy chạy lại hỏi thăm: “Ba bị sao vậy ba, ba ngứa mà hát luôn á hả. Nếu mà ngứa quá thì ba xức dầu vào đi. Ba ngồi đó gãi quài cũng không đỡ”. Nghe con hỏi thăm, người ba nói: “Không biết ba bị sao mà bị ngứa ở mu bàn tay như có con gì nó đang bò dưới da”. Nghe lý do xong, người con tỏ vẻ không tin tưởng lắm vì làm gì có con gì chui xuống dưới da của mình được đó chỉ là tưởng tượng mà thôi hoặc là ăn cái gì nên bị ngứa.

Bất ngờ có cô hàng xóm ghé thăm hỏi thăm tình hình, người ba nhanh chóng kể tình trạng của mình: “Hồi sáng, tôi kêu ly cà phê uống xong ngứa quá phải bỏ ly cà phê. Đây nè tôi cảm thấy ngứa ở mu bàn tay như có con gì nó đang bò dưới da vậy đó”. Dù người con tỏ vẻ không tin tưởng nhưng cô hàng xóm nhanh chóng nói: “Thiệt đó, có con gì nó bò dưới da khiến mình bị ngứa. Chắc là anh bị ấu trùng chui vào da rồi. Mấy người hay đụng vào đất và cát thì ấu trùng nó sẽ chui vào da của mình”. Nhìn thấy hai người vẫn chưa hiểu rõ về ấu trùng chui vào da, cô hàng xóm nhanh chóng mời bác sĩ tư vấn.

Giải đáp các thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, Bác sĩ Bùi Trọng Hợp cho biết: “Giun nó mà nằm dưới da trong khoa học người ta gọi là bệnh ấu trùng di chuyển. Ấu trùng của ký sinh trùng mà di chuyển ở dưới da nhiều khả năng là do một loại giun móc tên khoa học là Ancylostoma và thường nó là loại giun móc ở trên chó mèo. Lý do vì sao giun móc trên chó mèo lại gây ra tình trạng ấu trùng di chuyển dưới da của người là do chu trình phát triển của con giun móc. Thông thường thì nó sẽ nằm ở trong hệ tiêu hoá của chó và mèo, nó phát triển ra những chứng của con giun nó được thải qua phân. Và khi nó ra ngoài đất thì sẽ chuyển thành một dạng ấu trùng. Bình thường ấu trùng đó sẽ tìm tới da của con chó và mèo, nó sẽ xuyên qua da chó và mèo đi vào hệ thống mạch của cơ thể chó mèo. Tuy nhiên, khi ấu trùng giun đũa chó mèo khi nó xâm nhập vào da người thì nó sẽ xuyên qua da người. Do đối tượng không phù hợp nên không dễ dàng xuyên vào hệ thống mạch máu của cơ thể người”.

Nói về nguyên nhân bị mắc bệnh, bác sĩ Hợp cho biết thêm: “Khi chúng ta tiếp xúc lên những vùng đất dơ mà chứa chất thải của các động vật trong đó nó có chứa trứng giun và khi nó chuyển sang ấu trùng chúng ta tiếp xúc thì chúng ta có thể bị xâm nhập qua đường da. Việc chẩn đoán bị mắc bệnh ấu trùng dưới da chủ yếu là chẩn đoán lâm sàng. Tức là một hình ảnh rất đặc trưng là một đường ngoằn ngoèo mà nó tiến triển ở cái đoạn đầu và có bóng nước, nước. Song song với lại đó thường là sẽ xuất hiện trên những đối tượng tiếp xúc với đất nhiều, ví dụ như là nông dân, người chăm sóc chó mèo”.

“Những lưu ý để phòng tránh nhiễm giun và các loại ký sinh trùng khác. Thứ nhất, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau dọn nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ phải thường xuyên sát trùng. Thứ hai, luôn ăn thức ăn đã nấu chín, nước đun sôi để nguội. Thứ ba, nên rửa rau kỹ lưỡng bằng nước sạch hoặc nước rửa tay chuyên dụng. Thứ tư, không đi chân trần nếu làm vườn, dọn rác cần đi ủng mang khẩu trang găng tay. Thứ năm, không dùng phân tươi để bón rau, bón cây. Thứ sáu, đối với nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước cần thường xuyên quét dọn, xử lý hóa chất diệt côn trùng thân thiện với môi trường. Thứ bảy, phải có thói quen uống thuốc tẩy giun định kì mỗi sáu tháng cho cả gia đình”.

Text: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: General
RELATED NEWS

Ngôi Sao Xanh 2024: Cả showbiz Việt lên đồ lộng lẫy tham dự thảm đỏ Gala trao giải thưởng lần thứ 11

13467 Views
11-01-2025
Tối 11/01/2025 chương trình Gala Lễ trao giải Ngôi Sao Xanh lần thứ 11 diễn ra linh đình hoành tráng với sự góp mặt của hàng trăm tên tuổi nổi tiếng trong lẫn ngoài nước như: Trấn Thành, Minh Tuyết, Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Puka, Samuel, Tong Tong, Plaifah, hoa hậu Thanh Thủy, Thiên Ân,... xuất hiện lung linh trên thảm đỏ, chiếm trọn ống kính truyền thông và sự quan tâm của người hâm mộ.

Ngôi Sao Xanh 2024: 31 chiếc cúp của mùa giải lần thứ 11 chính thức tìm được chủ nhân

29504 Views
11-01-2025
Đêm 11/01/2025 lễ trao giải Ngôi Sao Xanh lần thứ 11/2024 chính thức công bố vinh danh cho 31 đề cử xuất sắc nhất và được khán giả yêu thích nhất. Kết quả được cho là xứng đáng, công tâm và xứng tầm cho các bộ phim, đạo diễn, ekip và dàn nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật phim ảnh trong suốt một năm qua.

Chủ tịch Đặng Gia Bena công bố giải thưởng gần 4 tỷ đồng cho Tân Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2025

14210 Views
10-01-2025
Với tâm huyết mang đến dấu ấn đặc biệt trong cuộc thi được mong chờ nhất năm 2025, Chủ tịch Đặng Gia Bena kết hợp cùng “Người con đạo hiếu” Ngọc Sơn sẽ trao tặng một căn hộ đặc biệt trị giá 2 tỷ đồng cho Tân Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2025, cùng phần thưởng 100 triệu đồng hiện kim ngay trong đêm Chung kết. Bên cạnh đó, chiếc vương miện quyền lực và danh giá nhất cuộc thi cũng đã được chính thức công bố trong sự khắc khoải chờ mong của người hâm mộ.

Ngôi Sao Xanh 2024 đóng cổng bình chọn, Tuấn Trần - Phương Anh Đào khả năng cao thắng nhiều giải

13408 Views
07-01-2025
Giải thưởng Ngôi Sao Xanh lần thứ 11/2024 chính thức đóng cổng bình chọn dành cho khán giả vào 11h00 ngày 07/01/2025 và chuyển sang giai đoạn tổng kết, đối với loạt giải “xuất sắc nhất’ vẫn đang được chấm điểm từ hội đồng chuyên môn.

Bậc Thầy Săn Thưởng: Diệp Lâm Anh bật chế độ hận người yêu cũ, căng cỡ nào mà Trường Giang phải cản vội?

13551 Views
05-01-2025
Diệp Lâm Anh khiến Trường Giang tá hỏa khi tham gia gameshow nhưng lại bật mode 'hận người yêu cũ'.