(Cosmolife.vn) Câu hỏi này khi “quăng” lên mạng, lập tức nhận rất nhiều chia sẻ đồng cảm của các bà vợ. Không ít ông chồng ra đường bị bắt nạt, về nhà trút lên vợ cho đã giận.
Nhịn thì ấm ức, mở miệng thì ầm nhà
Cô bạn trẻ đăng lên nhóm hội hoa: “Em ức lắm, vừa viết vừa khóc đây. Cái cây cái lá của em có tội tình gì mà cũng bị hành hạ? Em nhịn ăn nhịn mặc mới mua được. Hôm nào chồng vui vẻ thì liếc ngang một cái, bảo nhìn cũng mát mắt nhỉ, hoặc sân bé tí trồng cho lắm vào chỉ nuôi thêm côn trùng. Lúc nổi cáu, anh ấy đá chậu cây lăn lông lốc, kêu lối đi không thoáng. Sáng nay, chồng cắt trụi gần hết các chậu hoa, bảo vứt, cấm mua thêm. Nhịn thì ấm ức, mở miệng thì ầm ĩ. Em stress quá các chị ơi”.
Chuyện là “anh nhà” của cô ấy bị sếp phê bình, bắt sửa lại một số công đoạn khi nghiệm thu công trình của nhóm anh ấy. Tiến độ công việc vì thế trì trệ và có khả năng anh mất chức. Anh ném sự bực tức về nhà, cằn nhằn vợ tiêu xài hoang phí, trong khi vợ không hề như vậy.
Có bao nhiêu ông chồng thường đem mọi bức xúc gặp phải trong cuộc sống đổ lên đầu vợ? Nhiều không đếm được.
Chuyện không vui ở công ty, ngoài đường, khi chơi cùng bạn bè, mối quan hệ họ hàng, lỗi lầm của con cái… Bất cứ tình huống nào không vừa ý, các anh đều “chia sẻ” với vợ bằng vẻ mặt khó ưa. Dù vô tình hay cố ý, các anh đã khiến người phụ nữ bên cạnh mệt mỏi biết chừng nào.
Trong số các bình luận an ủi dành cho cô bạn kể trên, có phần chia sẻ của chị Duyên, vừa đáng thương vừa buồn cười. Chị bảo chồng chị có lẽ là người đàn ông vô lý nhất trên đời. Tối nào anh ấy cũng theo dõi tin tức thời sự trong nước lẫn quốc tế. Chị thì chỉ thích xem phim bộ. Chị sở hữu ti vi, anh ôm điện thoại, mỗi người giải trí một hướng riêng, vậy mà vợ chồng cũng gây lộn.
Xem tin thế giới, thấy phe này phe kia xung đột, anh tức điên nếu phía anh ủng hộ bị lép vế, thế là anh kể lể không đầu không đuôi, bất chấp chị có muốn nghe hay không, rồi mặc nhiên xem chị giống như nhóm đối lập để trút giận. Nếu chị không quan tâm thì bị mắng “suốt ngày cô chỉ biết dán mắt vô mấy bộ phim tình cảm rẻ tiền”. Còn nếu chị trả lời qua loa chiếu lệ thì chồng chê nông cạn.
Cái cách phê bình của anh ấy khiến chị tức điên chứ không phải kiểu trao đổi thông thường. Đến nỗi đang xem ti vi mà thấy dáng ông chồng yêu quý chuẩn bị ngồi gần là chị chỉ muốn tắt phụt rồi đi chỗ khác. Chị đang định đem ti vi vào phòng đóng cửa xem một mình, hoặc sắm điện thoại kiếm góc nào đó giải trí riêng, miễn là không bị “ngứa lỗ tai”.
Chồng ơi, để em bệnh dùm cho
Không chỉ chị Lan, cả ba đứa con đều căng thẳng mỗi khi chồng chị bị bệnh. Anh là người đàn ông tốt tính, chăm chỉ, yêu vợ thương con. Nhưng khi cơ thể không khỏe, anh luôn khiến cho cả nhà mệt mỏi khủng khiếp. Ví dụ như đợt rồi cả mấy mẹ con đều bị cảm cúm. Dù mệt mỏi, chị vẫn lo cơm nước thuốc men đầy đủ cho mọi người.
Đi làm về, anh luôn dặn dò vợ con phải kỹ lưỡng giữ gìn, tránh lây sang bố. Nhưng khi chị và các con khỏe dần thì anh bắt đầu đổ bệnh. Anh cằn nhằn mọi người không cách ly tốt, đã bảo đừng lây bệnh cho anh mà vẫn làm không được. Con cái đã không đến gần bố, mấy mẹ con ngủ phòng riêng, ăn uống riêng.
Thực hiện cách ly đầy đủ rồi, nhưng anh vẫn lây bệnh thì đành chịu chứ trách làm sao? Anh sốt, nằm rên rỉ, than vợ con không quan tâm. Mấy đứa nhỏ không phải không thương bố, mà chúng sợ. Ba đứa biết nếu mở miệng hỏi thăm tình hình sức khỏe thì thế nào cũng bị bố lôi chuyện này chuyện kia ra chê trách. Sau đó bố sẽ kết luận mình số khổ, làm việc cật lực nuôi cả nhà, không nhờ vả lại được gì, cuối cùng chỉ có rước bệnh vào người và… chết.
Lần nào bị bệnh nặng hay nhẹ anh đều nói kiểu như thế, rồi nghĩ đến cái chết cô đơn, khiến mấy mẹ con vừa lo sợ vừa cảm thấy bị tổn thương. Trách vợ không quan tâm, nhưng khi được chăm sóc, anh toàn đẩy chị ra xa một cách thô bạo, khó yêu, khó chiều.
“Ăn cháo hành giải cảm nhé?”, chị hỏi. “Đang lạt miệng mà ăn cháo cái gì?”, anh gắt. Chị gợi ý phở, cơm, hủ tíu, bánh canh… món nào anh cũng càu nhàu từ chối rồi kết luận: “Bình thường ăn gì cũng được, khi nằm xuống rồi miệng đắng nghét, nuốt gì cũng không trôi”. Bụng đói nên thuốc làm cho dạ dày của anh thêm khó chịu, chị lại một phen bị tra tấn bởi sự càu nhàu.
“Lần nào cũng vậy, ổng cứ làm như chính những người thân làm cho ổng đổ bệnh, nên ổng gây gổ với tất cả những người xung quanh. Phải chi có thể bệnh dùm ổng được chị cũng sẵn sàng gánh. Thà nằm bệnh còn khỏe hơn chăm sóc ổng lúc ốm đau”.
Trao năng lượng tốt cho vợ
Mẹ tôi nói cậu út số khổ, lương cao nhưng lúc nào trong túi cũng chỉ có vài đồng bạc lẻ, làm ra bao nhiêu phải nộp hết cho vợ. Mợ thì xài sang, thích mua sắm, có những thứ vung cả đống tiền ra mua về vứt xó, không bao giờ dùng. Hai vợ chồng vì thế không dành dụm được gì, thậm chí mắc nợ ngân hàng.
Gần đây mọi người phát hiện mợ bài bạc, bảo cậu nhắc nhở kịp thời, đừng để mợ lún sâu. Cậu ậm ừ rồi giả lơ cho qua, đúng như má tôi dự đoán. “Cậu mày sợ vợ, vợ bảo đi đằng đông đố nó dám chạy đằng tây. Nhà đó vợ nó tự tung tự tác”.
Nhỏ em họ đùa, bảo thật ngưỡng mộ mợ út và những người ăn hiếp được chồng, nhất là khi ông chồng làm ra nhiều tiền hơn vẫn ngoan ngoãn nằm dưới “ách thống trị” của vợ. Nhỏ nói muốn học hỏi vài chiêu để về trị ông chồng gia trưởng.
Mặc dù chỉ là đùa vui nhưng tôi hiểu được em đã có những lúc mệt mỏi như thế nào chỉ vì luôn phải sống theo “mệnh lệnh” của chồng. Mẹ em là dì ruột của tôi, đã mất sớm. Thỉnh thoảng ấm ức vì chồng em đều về khóc với mẹ tôi.
“Làm sao ăn hiếp được chồng?” chỉ là câu hỏi của những người vợ thường xuyên bị chồng lấn lướt. Các anh có vui không mỗi khi khiến vợ mình buồn bã? Có nhẹ nhõm không khi đem lại sự căng thẳng mệt mỏi cho người nằm bên cạnh mỗi đêm? Có thấy người phụ nữ của mình dần tàn phai vì thường nhận nguồn năng lượng xấu từ chồng?
Nếu các anh nhận ra và xem đó là đặc quyền của mình, và cố gắng thay đổi thái độ, cách sống để trao năng lượng tốt cho vợ, thì các anh mới đúng là người đàn ông đích thực.
Edit: Doanh Nhân Thành Thị - Business.Cosmolife.vn | Source: Phụ Nữ Online