(Cosmolife.vn) Tháng Bảy này, Cosmolife Vietnam sẽ giới thiệu với bạn đọc những cuốn sách hay và ý nghĩa với nhiều nội dung khác nhau đến từ các công ty phát hành sách tên tuổi.
Hoa soma trên đồi núi
Shama Ayi, em gái Jinzi và ông nội đã cao tuổi sống nương tựa vào nhau ở một vùng quê nghèo khó trên núi Đại Lương. Thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của cả bố và mẹ, Ayi mới mười ba tuổi đã phải trở thành trụ cột gia đình, quán xuyến việc mọi việc lớn nhỏ.
Tuy trải qua cuộc sống khốn khổ và không may mắn, nhưng những đứa trẻ sống ở nơi đây, đặc biệt là hai chị em Shama Ayi và Zinzi, không bị gục ngã. Trái lại, chúng vẫn như những bông hoa Soma trên núi không người chăm sóc, mạnh mẽ vươn cao. Các em rất hiểu chuyện, “Học hỏi kiến thức, để được ra khỏi vùng núi, thấy được thế giới bên ngoài” là tâm nguyện, cũng là ước mơ đơn giản nhất của bọn trẻ.
Con Đường Tơ Lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An
Con đường tơ lụa là một trong những tuyến đường giao thương quan trọng và vĩ đại của nhân loại trong suốt hơn 1.500 năm lịch sử. Đặt chân tới những địa danh trên con đường tơ lụa có lẽ là mơ ước của rất nhiều người. Cuốn sách này là hành trình khám phá những địa danh “vang bóng một thời” từ đất nước Pakistan, băng qua Tân Cương, Cam Túc, rồi tới tận điểm khởi nguồn của con đường tơ lụa ở thành phố Tây An, Trung Quốc của tác giả Trần Hồng Ngọc. Bạn sẽ được dạo chơi qua những địa danh lẫy lừng như Kashgar, Đôn Hoàng, Tây An, Trương Dịch, Turpan, Khâu Từ, cao tốc trải nhựa Karakoram cao nhất thế giới và dừng chân ở thung lũng Hunza thiên đường. Tất cả đã tạo nên một hành trình độc đáo và đầy cuốn hút.
Hiểu hơn về Trần Hồng Ngọc
Là một người đam mê du lịch và khao khát tìm hiểu, khám phá những vùng đất xa lạ. Cô thích cảm giác tận mắt chứng kiến, va chạm, nghe thấy những ngôn ngữ mới, ngửi thấy những mùi vị, màu sắc của những nền văn hóa khác nhau.
Hiện cô đang sinh sống tại Sài Gòn.
Đu Đưa Trên Ngọn Cây Bàng
Lấy bối cảnh miền trung du Việt Nam thời kỳ vừa hết bao cấp, khi những đứa trẻ loay hoay lớn lên với tất cả sự náo động, hào sảng, yêu thương, giữa một thiên nhiên giàu có, “Đu đưa trên ngọn cây bàng” khiến người lớn không khỏi bùi ngùi nhớ nhung, còn trẻ em thì trầm trồ yêu mến. Giọng văn khi bay bổng, lúc hài hước cùng những ký ức tuổi thơ tươi đẹp đã mang lại cho tác phẩm giải thưởng Khát vọng Dế Mèn 2022.
Ai đã từng nếm trải cảm giác đu đưa trên ngọn cây bàng?
Ở một vùng trung du thanh bình, giữa những cánh đồng rộng thênh, đồi chè trập trùng xanh ngát và con suối trong mát hiền hòa, là một con xóm nhỏ, trong xóm có một ngôi nhà, trước sân nhà khỏe khoắn một cây bàng, trên ngọn cây bàng có một cô bé!
Đu Đưa Trên Ngọn Cây Bàng đưa độc giả về vùng trung du thanh bình, với những con suối trong mát, cánh đồng rộng thênh, cây bàng đu đưa trước hiên nhà, và đặc biệt là những đồi chè trập trùng xanh ngát tới tận chân trời. Miền đất ấy lưu giữ mọi ký ức tuổi thơ trong trẻo, chan hòa, thi vị mà vẫn có chút hào sảng của đám trẻ tinh nghịch - Thủy, Linh, Kiên và cô chó đương độ dậy thì - Lệ Dung.
Cùng nhau, nhóm bạn đã thực hiện nhiều “phi vụ” lớn nhỏ, hài hước mà vô cùng cảm động như lần kiếm tiền mua áo dài cho mẹ hay chiến dịch bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hòa quyện trong những dòng văn ý nhị pha duyên ngầm về tình bạn hồn nhiên, chút tình đầu nhiều bối rối, đó là tình cảm gia đình thân thương và tình làng nghĩa xóm thân thuộc giữa cuộc sống sau bao cấp khó nhọc mà đầy ắp yêu thương.
Nếu cuốn sách đầu tay Trong vòng tay mẹ là những mảnh ghép sinh động và đầy cảm xúc về gia đình từ góc nhìn người mẹ, thì ở tác phẩm thứ hai này, tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã khéo léo chọn lọc và sắp xếp những ký ức tuổi thơ của mình, làm chúng sống lại với lời văn khi bay bổng lúc hài hước.
Cô chia sẻ: “Tôi đã cố gắng đem vào cuốn sách tất cả những náo nhiệt, sinh động, linh hoạt, bát nháo của tuổi thơ. Tôi cũng yêu thích sự hài hước và muốn câu chuyện vang tiếng cười giòn giã. Nhưng sẽ có những khoảng lặng, như cuộc sống vốn thế, lũ trẻ cũng sẽ phải trải qua rất nhiều nỗi buồn, những hoang mang, khắc khoải để mà lớn lên.”
Nhà văn Trần Vũ nhận xét: “Truyện dài thứ nhì này của Thủy thành công trên nhiều mặt: văn lưu loát, cấu trúc-bố cục gọn ghẽ, ghi lại được tuổi hoa niên đằm thắm với những vui buồn trong một xã hội vừa thoát bao cấp.
Truyện nhiều tình tiết cảm động, nhiều chất hoạt kê cùng diễn tiến tự nhiên và tuy là những chi tiết mà ai cũng đã trải qua, nhưng được mô tả sắp xếp rất khéo, có sự ý nhị pha duyên ngầm trong mạch chữ.”
Vượt qua gần một trăm tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi, Đu Đưa Trên Ngọn Cây Bàng được chọn lựa là một trong năm tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn năm 2022.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy sống tại Hà Nội, là một biên tập viên sách giàu kinh nghiệm.
Năm 2021, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là một trong hai tác giả người Việt và 27 tác giả trẻ từ 7 quốc gia châu Á được Japan Foundation mời tham gia Dự án văn học Yomu để chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống dưới tác động của đại dịch từ góc nhìn độc đáo của riêng mình.
Đời sống vỉa hè Sài Gòn - Không gian văn hóa bị bỏ quên
Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt. Để kiến tạo và phát triển một đô thị hài hòa và bền vững, bắt buộc phải nắm được cái hồn cốt của nó. Với Sài Gòn, giá trị tinh túy của đời sống nơi đây được thể hiện ở một không gian xã hội độc đáo và không hề xa lạ: trên vỉa hè. Đây là một nghiên cứu đặt đời sống vỉa hè dưới một ánh sáng khác, nơi đó vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian vô hình luôn câm lặng.
Tác giả cuốn sách, Giáo sư Annette M. Kim và nhóm nghiên cứu không gian đô thị (SLAB) của bà, nhờ sống ở Sài Gòn nhiều năm mà đã vỡ lẽ được rằng cái căn cốt của vỉa hè không nằm ở lớp bê tông tạo ra nó mà ở chính những hàng quán, sinh hoạt, và câu chuyện mưu sinh đời thường.
Giáo sư Kim cùng phòng phân tích không gian đô thị (SLAB) của mình đã dày công thu thập các ghi chép lịch sử về vỉa hè từ văn khố, số liệu thống kê, quy hoạch đô thị, ảnh chụp, cũng như xem xét tài liệu học thuật của các nhà sử học về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử để kể cho người đọc một câu chuyện sống động tươi nguyên về sự chuyển mình của vỉa hè Sài Gòn.
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, đời sống vỉa hè Sài Gòn di chuyển cùng với các chế độ khác nhau, từ thành lũy thời đế quốc, đô thị thuộc địa Pháp, thủ đô thời hậu thuộc địa và đến nay là thành phố xã hội chủ nghĩa.
Chính quyền nào cũng muốn ra sức dẹp bỏ với lý do muốn thành phố trật tự và tiên tiến hơn. Những nghị định thay phiên xuất hiện, nhiều nỗ lực từ các cấp ban ngành đã được khẩn trương thi hành, nhưng việc thực thi chúng luôn là một vấn đề nan giải. Do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực nên cả những chiến dịch hăng hái nhất cũng sẽ trở nên yếu dần, sau đó lại được nới lỏng vì tác động tiêu cực về kinh tế lên người dân.
Từ năm 1980 đến nay, vỉa hè Sài Gòn vẫn bền bỉ níu giữ cái không khí hấp dẫn đặc trưng của nó. Dù những người phụ thuộc vào vỉa hè ngày càng chịu nhiều áp lực do thay đổi có phần cứng nhắc ở đô thị và mật độ dân số đông, nhưng không thể phủ nhận không gian vỉa hè chính là nền móng cho đời sống văn hóa và dân sự tại Sài Gòn.
Do làn sóng di dân ồ ạt, hiện nay người dân đổ dồn về khu vực thành thị. Hệ quả của sự đông đúc này là xã hội đang tranh chấp gay gắt trong việc sử dụng từng tấc đất, trong đó có vỉa hè. Phần đông các nước trên thế giới như Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã xảy ra xung đột về lợi ích khi sử dụng vỉa hè. Riêng đối với Sài Gòn, Giáo sư Kim cho rằng, thành phố dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân vẫn luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau.
Giáo sư Kim đã len lỏi giữa những vỉa hè Sài Gòn, quan sát và nhận ra rằng, khoảng không gian nhỏ nơi đây khác biệt và đáng nhớ đến thế bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người.
Ở Sài Gòn, phần đông mọi người tỏ thái độ đồng cảm với những người bán hàng ở vỉa hè. Những câu dàn xếp bâng quơ, điều chỉnh và giả đò làm lơ của hàng xóm về vấn đề sử dụng vỉa hè đã phản ánh sự khác biệt của con người Sài Gòn, cho thấy tình nghĩa dành cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Annette M. Kim đã nghiên cứu những không gian của vỉa hè Sài Gòn bằng tư duy của một học giả chính sách công, nhưng chuyển tải chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác. Với Đời sống vỉa hè Sài Gòn, bà đã giúp ta nhận ra những biểu tượng và thứ ngôn ngữ độc đáo của vỉa hè.
Những hình ảnh quen thuộc như một miếng bìa được cắm vào lỗ viên gạch đứng đơn độc trên vỉa hè, những lốp xe máy được quấn giấy bạc sáng bóng bắt tréo nhau,… dưới góc nhìn của Giáo sư Kim, chính là vốn từ thị giác vô cùng phức tạp và cũng linh động tiến hóa theo dòng phát triển của thành phố.
Tập trung vào hai khu vực là Quận 1 và Quận 5, với 275 cuộc phỏng vấn, hơn 3000 tấm ảnh và đoạn phim cùng nhiều năm trực tiếp trải nghiệm nghiên cứu, bà Kim và SLAB đã phân tích nhiều biến số, những sự kiện chưa được lý thuyết hóa để vẽ nên những tấm bản đồ tái định hình không gian công cộng như Bản đồ biểu tượng vỉa hè, Bản đồ ma, Bản đồ không gian-thời gian… và chúng đều được “con người hóa”.
Giáo sư Kim chỉ ra rằng ở Sài Gòn, thiết kế đô thị quy chuẩn không hề phù hợp với thực tiễn đô thị. Lấy lý do buôn bán trên vỉa hè gây cản trở giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và làm xấu mỹ quan thành phố, ngày càng nhiều chiến dịch giải tỏa vỉa hè được chỉ đạo sát sao và gay gắt. Nhưng mục tiêu biến Sài Gòn thành Singapore thứ hai không phải là chuyện đơn giản, không chỉ do thiếu nhân lực hay kinh phí, mà vì nét độc đáo của Sài Gòn được cả người dân lẫn khách du lịch đánh giá là nằm trên không gian này. Mất đi vỉa hè nhộn nhịp hàng quán và những nụ cười thân thiện, Sài Gòn có gì khác biệt với những đô thị khác?
Dựa trên định hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch của Việt Nam, Kim khảo sát khách du lịch để trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chọn đến Việt Nam. Kết quả thu về cho thấy phần đông du khách cảm nhận Sài Gòn sôi động, thú vị và khác biệt với những thành phố khác không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên vỉa hè.
Kim cho rằng nếu thành phố muốn tăng cường phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất. Cuộc sống trong không gian này cần được giữ lại để phát huy hết sức hấp dẫn của nó chứ không phải phá bỏ hoàn toàn, chỉ cần ta quản lý tốt hơn.
Công ty tư vấn quốc tế enCity – đơn vị đồng hành với Nhã Nam giới thiệu cuốn sách này tới độc giả Việt Nam cũng có cùng quan điểm với tác giả: Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt gắn với văn hóa, bối cảnh xã hội và môi trường sống của người dân địa phương; và các giải pháp phát triển và bảo tồn đô thị phải dựa trên những đặc trưng này. Những tài sản giá trị nhất của một thành phố thường ẩn náu trong dòng cuộc sống thường nhật.
Trong trường hợp vỉa hè Sài Gòn, nét đặc trưng chính là tính đa chức năng (giao thông, thương mại và không gian cộng đồng) thay vì đơn năng (chỉ dành cho giao thông) - một đặc trưng căn bản của đô thị Việt Nam nhưng cũng là xu hướng của thế giới để tạo ra các đô thị đáng sống và bền vững.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng (Tổng giám đốc enCity), một chuyên gia quy hoạch quốc tế với rất nhiều đồ án đã được xây dựng ở Dubai, Việt Nam và Ấn Độ, viết trong lời đề tựa của cuốn sách: “Đô thị hóa không có nghĩa là bê tông hóa và phương Tây hóa. Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ những góc nhìn như thế này là phổ biến giá trị và bản sắc của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung và sẽ giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong phát triển đô thị.”
Ngoài việc kể một câu chuyện, Đời sống vỉa hè Sài Gòn còn cho chúng ta thấy không gian công cộng chứa đựng một lối sống đầy thẩm mỹ, nhiều giá trị nhân bản, hợp tác và khiến cho Sài Gòn trở thành một nơi đáng nhớ và đáng gắn bó. Nhờ những nghiên cứu và đề xuất đơn giản nhưng hiện quả được đề cập, Đời sống vỉa hè Sài Gòn cũng đã chỉ ra những thách thức trong các mô hình quy hoạch đô thị và quản lý thích ứng mà Sài Gòn sẽ cần và còn gợi ý cách chúng ta có thể định hướng lối đi trong một thế giới toàn cầu hóa.
Annette M. Kim là giáo sư ngành chính sách công. Bà cũng là giám đốc sáng lập SLAB (phòng phân tích không gian đô thị) của University of Southern California nhằm thúc đẩy tầm nhận thức về khoa học xã hội thông qua việc giảng dạy, nghiên cứu và thu hút sự tham gia của công chúng.
Giáo sư Kim đã xuất bản nhiều cuốn sách, bài viết trên các tạp chí khoa học để giới thiệu những nghiên cứu hiện tại của bà trong việc xem xét quy hoạch các khu đô thị, các chiến lược sinh kế của người nhập cư tại các thành phố châu Á đang phát triển thông qua phương pháp dân tộc học, nghiên cứu không gian và thiết lập các bản đồ nhân văn. Giáo sư Kim còn nghiên cứu sự phát triển của thị trường bất động sản và sự cải cách của quyền tài sản ở các quốc gia đang chuyển đổi ở cả Đông Âu lẫn châu Á.
Khế Ước Bán Dâu: Truyện kinh dị Việt vén màn bí ẩn đằng sau những hào môn quyền quý
Nhắc đến thể loại truyện tâm linh - kinh dị Việt Nam trong những năm gần đây, chắc hẳn chúng ta không thể bỏ qua tên tác giả Thục Linh. Là một tác giả trẻ và luôn theo đuổi những tác phẩm ma mị, huyền bí, tác phẩm của Thục Linh không những đem tới những làn gió mới cho độc giả, mà còn luôn khắc hoạ ấn tượng các màu sắc mang nét đặc trưng của văn hóa dân gian Việt.
Mới đây, Thục Linh đã cho ra mắt ấn phẩn Khế ước bán dâu được 1980Novel và Nhà xuất bản Thanh Niên liên kết phát hành trong tháng Sáu vừa qua.
Nội dung cuốn sách Khế ước bán dâu kể về cô gái tên Nhài – con gái của một nhà Nho nghèo – với mong ước sẽ được đổi đời khi bước chân vào làm dâu của một gia đình phú hộ nức tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Thế nhưng, khi bước chân vào đây, Nhài không thể ngờ được, điều chờ đón cô trong căn nhà uy nghi bề thế đó lại chẳng phải cuộc sống ấm êm lụa là. Lần mò theo những điềm báo quái gở, Nhài vô tình đã vén lên bức màn kinh hoàng, đẫm máu ẩn nấp sau vẻ bề ngoài giàu sang, quyền thế của gia môn họ Vũ. Đó cũng là lúc cuộc đời cô lún sâu xuống vực thẳm không lối thoát...
Một câu chuyện về những bí ẩn sâu xa của gia đình phú hộ nức tiếng khắp vùng Kinh Bắc và những ẩn khuất của lòng người. Liệu những con người sống trong gia đình đó có đang thực sự hạnh phúc? Liệu cô gái miền quê nghèo với tham vọng đổi đời – Nguyễn Thị Nhài có đạt như ý nguyện?
Vẫn là những tình huống gay cấn và căng thẳng, Khế ước bán dâu vô cùng độc đáo và hấp dẫn bởi những chi tiết khó đoán, liên tục được vén lên những bức màn nặng nề ẩn chứa nhiều tai ương, toan tính, máu và nước mắt qua các tình tiết rùng rợn chắc chắn sẽ đem đến cho bạn đọc những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Không đơn giản chỉ là một câu chuyện, nó còn là một sự thật về xã hội xưa, với những định kiến áp đặt sâu sắc cho người phụ nữ, sự biến chất của con người chỉ vì tham vọng phú quý. Mỗi một nhân vật lại ôm trong mình những bí mật riêng, những nỗi đau riêng nhưng suy rộng ra lại là nỗi đau chung của những kiếp người tương tự trong xã hội Việt Nam ngày đó. Từng câu chữ trong cuốn sách Khế ước bán dâu của Thục Linh hứa hẹn sẽ dẫn dắt bạn đọc lạc vào chính xứ sở u linh trong câu chuyện, trải nghiệm cảm giác ghê rợn một cách chân thực nhất như chính các nhân vật,
Thục Linh là tác giả quen thuộc với độc giả của dòng sách tâm linh, kinh dị Việt qua nhiều tựa sách nổi tiếng đã được xuất bản trong nước từ năm 2020 đến nay. Bắt đầu sự nghiệp viết lách từ năm 2017, cô đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng yêu sách cũng như không ít đánh giá tích cực từ giới phê bình chuyên môn.
Tập truyện ngắn Sáng trăng của Guy de Maupassant – những tình thế vô tận của cuộc đời
Truyện của Maupassant thường đa dạng về sắc thái, âm điệu. Có lẽ cũng vì thế mà nếu chỉ tiếp xúc với riêng một loại truyện, người đọc dễ có ấn tượng một chiều: người trách ông phê phán quá tàn nhẫn, người chê ông bông đùa tếu, đôi khi nhảm nhí… Và trong tuyển tập Sáng Trăng này, người đọc sẽ được trải nghiệm một dải sắc thái muôn màu đi từ tàn nhẫn trong Cái thùng con, ảm đạm của Người đã khuất, u ám trong Bà Hermet, cho đến cái dịu êm, man mác như một bài thơ của Sáng trăng và cái trong veo, tươi mát trong Bố của Simon, một trong những truyện hiếm hoi kết thúc ngọt ngào (song không hề rơi vào kiểu “có hậu” dễ dãi).
Giọng điệu người kể cũng phong phú, phụ thuộc vào bộ mặt tinh thần, vào trạng thái tâm lý của người đó, khi là một chàng trẻ tuổi si tình thác loạn, khi lại hóa một ông già độc thân mẫn cảm dưới vẻ ngoài hoài nghi… Những giọng điệu này thường xuyên hòa hợp khăng khít với giọng điệu riêng của các nhân vật, để rồi đôi lúc, chúng hòa cùng cả âm điệu trữ tình đầy xúc cảm của Maupassant khi nói tới phụ nữ, tình yêu và đặc biệt khi mô tả thiên nhiên.
Giống với người thầy nghiêm khắc Flaubert, Maupassant rất giỏi trong việc biểu đạt bằng ngôn từ chuẩn xác, chắt lọc, thể hiện những quan sát đậm tính chân thực của mình. Một lời, vài tiếng, thế là hiện lên nền đất nâu mấp mô, những tấm rèm che cửa sổ “xưa kia trắng, nay vàng và đầy vết ruồi bâu” trong căn buồng của nông dân (Con quỷ) hay “cái mê cung ngoắt ngoéo những ngôi nhà lụp xụp, những đường phố nhớp nháp, ri rỉ nước hôi hám”.
Song, nổi bật trong truyện ngắn Maupassant là một thiên nhiên “sống”, cảm thông hoặc thờ ơ với con người, một thiên nhiên nói lên tâm trạng, tính cách nhân vật, và cả sự cảm thụ thế giới của tác giả, người câu cá, nhà săn bắn, nghệ sĩ nhạy cảm, say mê sự sống, sắc màu, âm thanh, hương vị.
Trường phái ấn tượng trong hội họa giúp Maupassant có cái nhìn nghệ thuật mới, phân biệt vô vàn sắc thái tế nhị và những biến đổi, lưu chuyển của từng khoảnh khắc trong thiên nhiên - cũng như trong tâm trạng con người. Nhà văn chú ý đến sự uyển chuyển của hình thù, đến những biến thái tinh vi của màu sắc, và đặc biệt đến tác động của ánh sáng rọi chiếu lên cảnh vật. Điển hình là thiên truyện Sáng Trăng có những đoạn được coi như sự chuyển đạt những hình ảnh thị giác của họa sĩ ấn tượng bằng phương tiện nghệ thuật ngôn từ. Sự chồng chất các tính từ, danh từ đồng nghĩa và giàu sức biểu cảm, các động từ, các ẩn dụ có hồn, cách cấu tạo câu ở thể chủ động, dựng nên phong cảnh mỹ lệ, sống, tràn ngập chất thơ như trong tranh Claude Monet. Từ ngữ biểu đạt không chỉ bản thân vẻ đẹp quyến rũ của một đêm xuân huy hoàng trăng sáng, mà cả rung động do cái đẹp ấy gây nên ở nhân vật, ở người thuật truyện. Và ảnh hưởng của hội họa ấn tượng bộc lộ ngay trong ưu thế này của tâm trạng so với đường nét, sắc màu.
Một đóng góp mới của Maupassant với văn xuôi thế kỷ 19 chính là sự nắm bắt và tái hiện những trạng thái tâm lý, những xung đột, diễn biến bên trong, nảy sinh ở những tình thế phong phú vô tận của cuộc đời: cái đẹp và sự sống làm đổ vỡ những tin điều khô cằn, giả tạo (Sáng trăng), một chấn thương tinh thần thời thơ ấu đảo lộn và đầu độc cả một đời người (Cho một cốc đây!) rồi những nỗi đau bí ẩn “càng sâu xa hơn bởi dường như êm nhẹ, càng nhức nhối hơn bởi dường như mơ hồ, càng dai dẳng hơn bởi dường như không thực” (Menuet)…
Với vẻ ngoài nhẹ nhàng, bao giờ cũng lý thú và đôi khi như bông đùa, truyện Maupassant thường phát hiện bi kịch của con người không chỉ trong tình huống khủng khiếp, đặc biệt, mà cả trong những hoàn cảnh bình thường, hằng ngày.
Là học trò giỏi của Flaubert nên Guy de Maupassant chịu ảnh hưởng sâu sắc của thầy mình về mặt tư tưởng. Chủ nghĩa bi quan, hoài nghi là cảm quan chính chi phối nhiều sáng tác của ông và ông còn đi xa hơn thầy mình về Sự tuyệt vọng triết học. Cũng như Flaubert, Maupassant sáng suốt và nhạy bén trong sự phủ định đầy tính chất tiến bộ và dân chủ, song ý thức dân chủ, tiến bộ trong khuôn khổ hệ ý thức tư sản lúc bấy giờ đã mất khả năng cảm nhận tính biến đổi đi lên của sự sống. Đồng thời, mẫn cảm một cách khác thường với cái đẹp cũng như với cái xấu, Maupassant không thể không chịu ít nhiều tác động của những khuynh hướng suy đồi mới nảy sinh trong nền văn hóa Pháp. Cùng với niềm ngờ vực khả năng thay đổi, phát triển của hiện thực, ý nghĩ chua xót về sự xấu xa - thể chất và tinh thần - của con người, về sự bất lực của trí tuệ, những ám ảnh về nỗi cô đơn định mệnh, về cái chết, càng về những năm cuối đời càng rõ nét, do ảnh hưởng của sự khủng hoảng chung trong nền văn hóa tư sản, và của bệnh tật riêng ngày một tăng.
Các nhà hiện thực tiền bối đã phân tích sâu nguồn gốc và bản chất các mối quan hệ tư sản, các tính cách tư sản, Maupassant thì chú ý đến sự thoái hóa nhân cách trong thế giới tư hữu, đến sự tàn bạo bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống, do thói vị kỷ, do lòng tham, do tâm lý tư hữu phổ cập ở mọi tầng lớp xã hội, khiến “chất người” thui chột (Con quỷ, Cái thùng con, Bà Hermet, Cho một cốc đây!).
Những vấn đề nghiêm túc này đòi hỏi không chỉ sự tinh tế trong xúc cảm, mà cả chiều sâu của những suy nghĩ và khái quát xã hội, tâm lý - đạo đức. Vài trang ngắn ngủi của Maupassant “chứa đựng cốt tủy của những tập sách mà các nhà tiểu thuyết khác chắc phải viết rất dày”, đó là nhận xét của Emile Zola, tác giả bộ Les Rougon-Macquart đồ sộ, chính vì thế mà, vẫn theo Emile Zola: “Đọc Maupassant, ta khóc, ta cười và ta suy nghĩ.”
Text: Thị Dân – Cosmolife.vn | Source: General