(Business.Cosmolife.vn) Thông thường, đàn ông đi “ăn bánh trả tiền”, trải nghiệm “tay vịn” về sẽ giấu vợ. Nhưng bây giờ, vào các diễn đàn hôn nhân trên mạng có thể thấy nhiều chị em khốn khổ khi nghe chồng thông báo đã trải nghiệm các trò chơi nhạy cảm như chuyện “giải trí thường tình”.
Sự cởi mở... leo thang
Khi chồng khoe: “Hôm nay anh đi karaoke có mấy em bu xung quanh”, chị Nguyễn Hữu Duyên (sinh năm 1993, ở quận 3, TPHCM) rất buồn và tổn thương khi biết chồng mình lại đi karaoke “tay vịn”.
Duyên kết hôn được hai năm và có một bé trai hơn một tuổi. Theo Duyên, chồng chị vốn rất hiền lành. Anh và chị yêu nhau từ đại học. Mọi chuyện “chơi bời” trước đây của anh đều chỉ xoay quanh các thú vui lành mạnh của đàn ông như đánh cờ, thể thao. Anh làm văn phòng, giao hết lương cho vợ quản lý.
Điều Duyên từng băn khoăn nhất ở chồng là anh không nóng lòng tiến thân như những người đàn ông khác. Anh bình ổn trong công việc, và suy nghĩ rất nhẹ nhàng về địa vị xã hội nên có thể gọi là người không có chí tiến thủ.
Thế nhưng, bây giờ, ưu phiền của Duyên về chồng đã chuyển sang một vấn đề khổng lồ hơn nhiều. Anh có thú vui chơi “tay vịn”
Chuyện bắt đầu từ buổi tiệc sinh nhật của 1 người bạn cũ. Sau khi nhậu nhẹt đến khuya, chồng Duyên về nhà và kể thật cho cô nghe là anh vừa có “đụng chạm” với các cô tiếp viên ở quán karaoke. Theo anh, nhóm bạn cũ của anh thấy rất bình thường với việc được các cô gái trẻ đẹp, chiều chuộng phục vụ khi nhậu. Và vì đã lỡ đi cùng, nên anh cũng… cởi mở.
Duyên biết chồng hiền lành nên rất bình tĩnh gợi chuyện. Anh thành thật nói “cũng vui”, và kể những chọc ghẹo, tán tỉnh các cô gái ấy.
Khi chồng hỏi Duyên có buồn khi anh lỡ “chơi tay vịn” không, Duyên cũng thành thật nói chị không thích, nhưng không thấy buồn vì biết anh không chủ động và những cảm xúc kia của anh cũng là dễ hiểu
Chẳng ngờ, sự thật thà của Duyên lại xúc tác để câu chuyện đi xa hơn. Chủ đề “chơi tay vịn”, “ăn bánh trả tiền” trở lại thường xuyên trong các cuộc trò chuyện vợ chồng. Họ nhắc đến, bàn bạc và kể chuyện của những người quen mà họ biết từng có trải nghiệm với thú chơi này.
Rồi một ngày, chồng Duyên lại kể anh đã “trải nghiệm lần 2”, cũng với nhóm bạn cũ. Sẵn mạch cởi mở của vợ chồng trước nay, anh kể chi tiết giao tiếp giữa cánh đàn ông và các em gái tiếp viên như một cách giúp vợ “mở mang”.
Nhưng dường như anh đã có quan điểm thật rõ với chuyện này. Anh nói, đàn ông ai cũng “dính” món này, chỉ là có thừa nhận hay không. Và anh tự nhận mình may mắn vì có vợ không thành kiến. Chơi gì cũng là chơi, tự vạch giới hạn để không ảnh hưởng đến gia đình mới quan trọng
Đến đây, anh bỗng… hết may mắn. Duyên phản đối kịch liệt. Chị nói chỉ thông cảm cho anh ở lần đầu, vì anh bị vô thế. Còn việc tái phạm là không thể chấp nhận. Cô khóc òa lên, hỏi chồng tại sao lại còn đi với nhóm bạn cũ, tại sao anh lại đụng chạm với gái lạ… tại sao và tại sao.
Lần ấy, Duyên phản ứng quá mạnh nên chồng chị cũng dịu giọng xin lỗi. Nhưng sự thân thiết giữa họ cũng tan vỡ từ lần đó. Anh không còn tâm sự với vợ, không kể chuyện bạn này bạn kia. Chị thì luôn dè chừng, để rồi lại tìm thấy chứng cứ chồng vẫn tới lui các tụ điểm “cấm”. Mỗi lần như thế, chị lại làm dữ, và anh càng lúc càng ít nhún nhường.
Anh nói vợ thay đổi nhiều quá. Trước đây Duyên từng nói luôn hiểu cho các thú vui của anh, miễn không ảnh hưởng đến gia đình. Lần này cũng chỉ là một thú vui, sao chị lại không chấp nhận. Và cuộc tranh cãi của họ đi vào bế tắc.
Thao túng lý lẽ
Cùng cảnh ngộ với Duyên, nhưng Phan Thu Thủy (sinh năm 1989, quận Gò Vấp, TPHCM) chỉ biết chuyện khi vô tình đọc tin nhắn của chồng. Hộp tin nhắn có vô số hội thoại giữa chồng cô và các cô gái lạ. Qua đó, Thủy biết chồng tham gia một nhóm “sugar daddy” - “sugar baby” và lừa các cô gái trẻ rằng anh độc thân, thành đạt, có nhà ở trung tâm Sài Gòn.
Từ khi biết chuyện, Thủy luôn phản đối, trách cứ và đề nghị chồng chấm dứt kiểu vui chơi kia. Nhưng lý lẽ của anh vẫn là “đó chỉ là cuộc chơi và anh tự biết giới hạn”. Anh không từ bỏ, dù chỉ trong lời hứa. Lý lẽ của anh vô cùng sắt đá, rằng vợ chồng không cần quá quan tâm chuyện giải trí của nhau, miễn là không ảnh hưởng đến gia đình.
Thủy như quay cuồng trong lý lẽ của chồng. Một mặt cô thấy như phát điên khi nghĩ đến cảnh anh giao tiếp với các cô gái với tâm thế của một kẻ săn mồi. Mặt khác, cô cũng bị anh thao túng lý lẽ. Anh nói anh cũng không thích việc cô đi du lịch riêng với bạn, hay việc cô mua đồ hiệu. Nhưng đó là sở thích của cô và vì cô không để ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, anh vẫn rất tôn trọng.
Vậy thì tại sao cô lại ngăn cấm anh tán gẫu mạo danh với các cô gái trẻ trong khi anh không hề cho tiền, cho tình, hay thậm chí là để họ ảnh hưởng đến thời gian anh dành cho gia đình…
Quả thật, từ khi biết chuyện, Thủy đã tìm hiểu và “rình rập” mọi kênh, nhưng không tìm ra dấu hiệu nào cho thấy anh chung đụng thể xác với các cô gái ấy. Tài chính gia đình anh vẫn chu toàn. Trách nhiệm với vợ con anh vẫn đảm bảo.
Và vì không chịu chi, nên dường như các cuộc lừa của anh cũng chỉ dừng lại ở việc trò chuyện. Nhưng, anh kiên quyết không từ bỏ niềm vui quái gở này.
Thủy rơi vào bế tắc giống Duyên. Cả hai đều biết mình không thể yên ổn với người chồng xem việc tán tỉnh, đụng chạm với phụ nữ là niềm vui. Nhưng chính họ cũng đuối lý trước chồng nên thỉnh thoảng vẫn tạo ra vùng lơi lỏng để các ông chồng lấn tới. Và xung đột của họ không có hồi kết.
Sao lại tìm vui trên nỗi đau của vợ?
Vậy, đâu mới là điều đúng? Phải chăng các ông chồng cởi mở kia mới là hợp thời; còn các bà vợ đang cứng nhắc, lỗi thời, ích kỷ? Phải chăng việc qua lại với phụ nữ có thể được xem là một thú vui, miễn là không có quan hệ tình dục và không ảnh hưởng đến tài chính gia đình?
Riêng trong câu chuyện của chị Thủy và chị Duyên - những người chồng đã nói rõ quan điểm của họ. Họ thấy việc chơi bời, tán tỉnh, đụng chạm phụ nữ là một thú vui bình thường. Và qua 5 lần 7 lượt, họ đều khẳng định quan điểm này, thậm chí còn thể hiện nó bằng… hành động.
Còn quan điểm của những người vợ thì chỉ bức xúc và tập trung bày tỏ sự bức xúc, trách móc. Họ thường sa vào các câu hỏi tại sao chồng lại làm việc này, việc kia…? Và khi anh chồng đáp lại bằng một quan điểm, một lý lẽ dù không biết là đúng hay sai, họ vẫn thắng thế trước đối thủ quá nặng cảm xúc.
Vậy, đâu là lối ra cho những cuộc đối thoại vợ chồng về vấn đề này? Hãy bắt đầu làm việc từ chính quan điểm của từng người, và ngưng việc chỉ trích, trách móc. Cả chị Thủy và chị Duyên đều đau khổ trước các cuộc vui của chồng cần tự diễn đạt lại tất cả những cảm giác của mình với thú vui kia của chồng, và xác lập một quan điểm.
Chính người vợ cần tôn trọng cảm giác của mình, để hiểu mình nên đưa ra một quan điểm thế nào, bất chấp những lý lẽ khác từ chồng. Và điều cô ấy nên nói với chồng không còn là “tại sao anh lại…”, mà phải thể hiện quan điểm rành rọt của cô ấy, và đề nghị đối thoại để thống nhất cam kết giữa 2 người.
Khi ấy, cuộc nói chuyện sẽ không còn phân bua đúng sai, mà là cuộc đối diện nghiêm túc với quan điểm, cảm xúc của cả vợ và chồng. Anh chồng đòi vợ tôn trọng “thú vui” của anh. Còn anh hành xử thế nào với nỗi đau của vợ?
Rõ ràng, giữa một bên là “vui”, một bên là “đau” - cán cân sẽ nghiêng về việc giải quyết nỗi đau trước nhất. Bởi, thú vui thì vô vàn, sao nhất thiết phải vui trên nỗi đau của vợ mình? Khi bày tỏ những điều này bằng tâm thế bình tĩnh, lắng nghe và thành tâm chia sẻ cho đến kiệt cùng, thấu đáo, họ sẽ tìm được lời giải chung.
Khi đó, họ sẽ biết điều họ đang đối diện không chỉ là một thú vui quái gở, một sự khác biệt quan điểm, mà còn là khả năng thấu cảm với cảm xúc, nỗi đau của bạn đời để tự sửa mình cho vừa vặn với cuộc chung sống thiêng liêng.
Edit: Thị Dân - Cosmolife.vn | Source: Phụ Nữ Online